Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 13:01
Thứ sáu, 28/06/2024 06:06
TMO - Tại Việt Nam, sắn là cây trồng đa giá trị, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc sản xuất sắn hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do việc liên kết sản xuất còn yếu, phát triển nhà máy chế biến ở một số nơi chưa gắn với vùng nguyên liệu…
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sắn là một trong số các cây trồng được đưa vào danh mục sản phẩm cây trồng chủ lực quốc gia, đóng góp vai trò vô cùng quan trọng vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Hiện cả nước có trên 40 tỉnh, thành trồng sắn, tập trung ở 5 vùng trọng điểm chính gồm Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ với diện tích dao động từ 520.000 - 550.000 ha, năng suất đạt từ 19-20 tấn/ha, sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ tươi.
Về chế biến, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm. Các nhà máy phân bố chủ yếu ở vùng Đông Nam bộ, với khoảng trên 70 nhà máy, phần lớn được đầu tư bàn bản, đang trong quá trình cập nhật và nâng cao công nghệ chế biến sản phẩm từ sắn.
Sắn là cây trồng đa giá trị, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, hiện nay, cây sắn không phải là cây xóa đói, giảm nghèo mà đã phát triển thành một loại cây trồng đa giá trị, có hiệu quả kinh tế cao với kim ngạch xuất khẩu luôn duy trì ổn định từ 1 - 1,4 tỷ USD. Vai trò và vị thế của cây sắn trong bản đồ nông nghiệp Việt Nam đã được xác lập rõ ràng. Để trợ lực ngành sắn, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40 - 50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu luôn đứng vào Top đầu trong các mặt hàng nông sản, năng suất sắn cao thứ 5 trong số 10 quốc gia sản xuất sắn hàng đầu thế giới, một số giống sắn kháng bệnh khảm lá đã được phát triển tại các vùng trồng sắn trong cả nước; nhiều công nghệ chế biến sắn như sản xuất tinh bột sắn biến tính đã được đưa vào áp dụng tại nhiều nhà máy sản xuất sắn tại Việt Nam.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 562,06 triệu USD, giảm 8,4% về lượng, nhưng tăng 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 451,4 USD/tấn, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023, trong đó đáng chú ý là 2 thị trường Đài Loan và Malaysia. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines và Nhật Bản đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên việc phát triển ngành hàng sắn còn thiếu bền vững, liên kết giữa nông dân trồng sắn với nhà máy chế biến còn yếu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Trồng trọt, hiện nay phát triển ngành hàng sắn còn thiếu bền vững, liên kết giữa nông dân trồng sắn với nhà máy chế biến còn yếu. Việc tổ chức sản xuất sắn còn chưa bền vững; các chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sắn còn thiếu, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, vẫn chưa đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển của địa phương để làm tiền đề đầu tư, phát triển ngành hàng này. Thị trường xuất khẩu phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc mà chưa mở rộng được ra các thị trường khác vốn cũng đang có nhiều lợi thế về ưu đãi thuế như thị trường EU.
Bên cạnh đó, một số nhà máy chưa có chính sách, cơ chế phối hợp, thu hút hợp tác xã vào trong chuỗi cung ứng sản phẩm sắn cho nhà máy. Mặt khác, vai trò của hợp tác xã trong cung ứng sản phẩm còn mờ nhạt. Trên thực tế, người trồng sắn vẫn muốn có sự ràng buộc với nhà máy, giúp định hướng sản xuất, ổn định đầu ra cũng như chia sẻ rủi ro khi gặp những bất lợi về thời tiết, sâu bệnh, giá cả bấp bênh.… Sản phẩm chế biến chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu và sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Để phát triển bền vững ngành hàng sắn Việt Nam trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Trồng trọt chủ trì rà soát, trình ban hành và hướng dẫn các địa phương ban hành các chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư vào ngành hàng sắn. Hướng dẫn tổ chức sản xuất sắn hiệu quả, rà soát và ban hành các quy trình canh tác sắn theo đặc thù các vùng sinh thái, các quy trình sản xuất giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh khám lá sắn. Cục phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức buổi làm việc với Phái đoàn EU và tham tán một số nước EU để tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương cho ngành hàng sắn.
Cục Bảo vệ thực vật thực hiện tốt việc dự tính dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây sắn đặc biệt là bệnh khảm lá sắn. Cục rà soát và đề xuất sửa đổi bổ sung quy trình phòng trừ bệnh khảm lá sắn cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Cục Trồng trọt, các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng phương án nhân giống sạch bệnh, giống kháng bệnh.
Ngoài ra, các địa phương cần chủ động tham mưu, bố trí nguồn lực để xây dựng các chương trình, dự án phát triển ngành hàng sắn phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của địa phương. Lồng ghép các chỉ tiêu về cây sắn vào các bộ chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương để có những chính sách đầu tư, khuyến khích thích đáng để phát triển ngành hàng sắn đặc biệt là các đầu tư về hạ tầng cho vùng nguyên liệu trồng sắn.
Đặc biệt, hỗ trợ triển khai liên kết sản xuất giữa người dân và nhà máy sản suất sắn trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của các bên hướng tới sản xuất chuyên nghiệp, bền vững…Các địa phương cần sử dụng linh hoạt các nguồn lực từ ngân sách nhà nước (bao gồm các đề tài khoa học, chương trình, đề án), từ các hoạt động hợp tác quốc tế cũng như các nguồn lực hợp pháp khác. Mặc khác, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cùng nhau phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển ngành hàng sắn. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, khẳng định và tăng cường uy tín, vị thế của sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam.
Phương Thúy
Bình luận