Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 19:11
Thứ sáu, 20/09/2024 07:09
TMO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Việc thị trường lớn này mở cửa chính thức cho sản phẩm sầu riêng đông lạnh sẽ tạo ra cơ hội lớn đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực này.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, nghị định được ký kết có ý nghĩa rất lớn đối với ngành hàng sầu riêng Việt Nam, hứa hẹn đột phá kim ngạch xuất khẩu trái cây này trong thời gian tới. Với nghị định thư vừa được ký kết, với năng lực hiện tại và nhu cầu thị trường Trung Quốc dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam ngay trong năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp để bắt đầu xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đông lạnh sẽ đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật (các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi) và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài. Sầu riêng đông lạnh có thể xuất khẩu qua đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Từ giữa tháng 8/2024, Trung Quốc chính thức mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam, thông qua việc ký nghị định thư cho phép phân khúc sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này. Ảnh: CT.
Mặc dù, tiềm năng xuất khẩu lớn, sầu riêng cấp đông Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và cần phải được nhận diện và chuẩn bị ứng phó. Đặc biệt là vấn đề đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, vùng trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là các điểm sau:
Về sầu riêng đông lạnh: bao gồm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ các vùng trồng sầu riêng được đăng ký, quản lý và giám sát tại Việt Nam. Nhiệt độ đông lạnh: ở nhiệt độ -35 độ C hoặc thấp hơn trong ít nhất 1 giờ cho đến khi nhiệt độ lõi đạt -18 độ C hoặc thấp hơn và được duy trì mức nhiệt độ lõi từ -18 độ C trở xuống hoặc thấp hơn trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế - "Quy phạm thực hành đối với chế biến và xử lý thực phẩm đông lạnh nhanh" (CAC / RCP 8-1976).
Đồng thời, phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu phải đảm được đăng ký mã số doanh nghiệp theo Lệnh 248 với Tổng cụ Hải quan Trung Quốc (GACC).
Việc thị trường Trung Quốc mở cửa chính thức cho sản phẩm sầu riêng đông lạnh sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành này của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, với diện tích tới tháng 8/2024 khoảng trên 22.000 ha, sản lượng thu hoạch 47.195 tấn (đạt 119,7% so với cùng kỳ năm 2023), sầu riêng được coi là một trong những cây trồng giàu tiềm năng và dư địa phát triển lớn.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, sầu riêng cấp đông là giải pháp góp phần giải quyết những hạn chế khi chỉ xuất khẩu trái tươi. Dư địa phát triển ngành hàng mới này rất tiềm năng nên đơn vị đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng để tổ chức, hướng dẫn quy trình triển khai để các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện từng bước. Sở NN&PTNT tỉnh đang tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến vấn đề trên cho các doanh nghiệp. Nội dung tập huấn, tuyên truyền chính là các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo các doanh nghiệp đang áp dụng sầu riêng cấp đông trên địa bàn tỉnh, điểm tích cực của sầu riêng đông lạnh là việc giảm bớt tình trạng ứ đọng hàng hóa khi vào chính vụ. Lượng hàng không bán tươi có thể chuyển qua chế biến, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu do hàng đông lạnh không chú trọng mẫu mã bên ngoài. Đây sẽ là kênh giúp điều hòa sản lượng để ổn định giá cả, tăng thêm thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp.
Công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu cần được tiếp tục được đẩy mạnh triển khai.
Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, dự kiến năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh đạt khoảng 34.000 – 35.000 ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn. Đắk Lắk đã vươn lên đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng sầu riêng, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chung của cả nước.
Việc sầu riêng cấp đông được xuất khẩu chính ngạch là một thuận lợi lớn cho sầu riêng của tỉnh, khi mà sản lượng đang tăng nhanh trong những năm qua. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực từ vấn đề thu hoạch, bảo quản và quá trình vận chuyển đến cửa khẩu. Trên thực tế, những quả sầu riêng tươi đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 60% sản lượng cho thu hoạch, còn lại là tiêu thụ nội địa và chế biến sâu. Do đó, nếu Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông sẽ giúp tăng sản lượng sầu riêng xuất khẩu lên 70 – 80%. Mặt khác, trường hợp vào vụ thu hoạch, quả tươi không xuất khẩu được hoặc giá bán thấp thì có thể cấp đông để xuất khẩu. Điều này sẽ giúp giảm áp lực tiêu thụ quả tươi vào chính vụ, chủ động được việc điều tiết sản phẩm ra thị trường, kéo dài thời gian tiêu thụ sản phẩm…
Việc cấp đông cũng giúp giám sát chất lượng tốt hơn, hạn chế vi phạm các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, để tận dụng cơ hội này thì doanh nghiệp và nông dân phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm, trong đó phải bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, những thực vật nguy hại, tồn dư hóa chất và đặc biệt là chất lượng múi sầu riêng cấp đông phải đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. để tận dụng cơ hội này thì phải đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng chế biến. Mặt khác, để khai thác tốt lợi thế này, cần có sự điều tiết tổng thể của các bộ, ngành cũng như các cơ quan chuyên môn để thông tin thị trường kịp thời cho các doanh nghiệp, giúp họ chủ động đưa hàng ra thị trường vào những thời điểm tốt nhất về giá.
Để có thể xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, cần nâng cao công nghệ cấp đông, chất lượng sản phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát quy trình sản xuất sầu riêng đông lạnh. Việc nâng cao công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm phải bắt đầu từ khâu sản xuất đến khâu đóng gói và vận chuyển đặc biệt là các thiết bị, kho cấp đông.
Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo không xảy ra sai sót nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, cần có hệ thống truy xuất nguồn gốc và các biện pháp quản lý cũng như giám sát sinh vật gây hại cùng vệ sinh an toàn thực phẩm hại một cách khoa học, hiệu quả.
Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, quy định cho các địa phương, Hiệp hội, vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu. Sở NN&PTNT cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm trong sản xuất, đóng gói sầu riêng đông lạnh và trong việc sử dụng mã số, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.
Hỗ trợ Hiệp hội, Doanh nghiệp xuất khẩu, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh duy trì các điều kiện đáp ứng yêu cầu kiểm soát về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và việc tuân thủ theo các quy định của nước nhập khẩu.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, chế biến sầu riêng đông lạnh, cần nghiên cứu kỹ các quy định của Trung Quốc và tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của Nghị định thư và quy định của Trung Quốc, chủ động xây dựng các chuỗi liên kết thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói và doanh nghiệp xuất khẩu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo cho việc truy xuất khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, đầu tư nâng cấp công nghệ cấp đông, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Minh Thư
Bình luận