Hotline: 0941068156
Thứ tư, 26/02/2025 00:02
Thứ ba, 25/02/2025 14:02
TMO - Tận dụng rác thải nhà bếp để sản xuất phân hữu cơ đang trở thành một giải pháp xanh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Hiệu quả thực tiễn từ cộng đồng
Mô hình "Sạch từ bếp - Xanh từ vườn" do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Thuận Tây (TP. Đà Nẵng) triển khai đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Chương trình được sự hỗ trợ của Dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại TP. Đà Nẵng do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Bên cạnh việc giảm lượng rác thải hữu cơ ra môi trường, mô hình còn giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại và xử lý rác thải thực phẩm ngay tại nguồn.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân làm men vi sinh tự chế tại nhà. Ảnh: Hội LHPN phường Hòa Thuận Tây.
Rác thải hữu cơ từ nhà bếp như: vỏ rau củ, trái cây, bã cà phê, vỏ trứng, cơm thừa thường bị người dân bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường và thu hút côn trùng. Tuy nhiên, khi ủ thành phân hữu cơ, chúng trở thành nguồn dinh dưỡng tự nhiên, giúp cải tạo đất và thúc đẩy sinh trưởng cây trồng. Việc sử dụng phân hữu cơ không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúc giảm đối lượng phân bón hóa học, góp phần bảo vệ đất và hệ sinh thái.
Quy trình ủ phân hữu cơ rất đơn giản. Người dân có thể tận dụng rác thải nhà bếp, cho vào thùng ủ chuyên dụng, trộn với men vi sinh tự chế biến từ các nguyên liệu dễ tìm như: cơm nguội, men rượu, nước vo gạo, mật mía,... Trong vài tuần, rác hữu cơ sẽ chuyển hóa thành phân bón giàu dinh dưỡng, giúp cây trồng phát triển tốt mà không gây mùi hôi hay ô nhiễm.
Biến hơn 6 tấn rác thành phân hữu cơ
Tính từ tháng 4/2024, mô hình đã mở rộng từ 17 hộ gia đình thí điểm lên 126 hộ và 2 cơ sở giáo dục. Theo UBND phường Hòa Thuận Tây, sau 6 tháng thí điểm, đã xử lý 6.120kg rác thực phẩm làm phân hữu cơ, chiếm gần 60% tổng rác thải phát sinh. 100% hộ dân tham gia cam kết duy trì mô hình.
Vườn của bà Triệu Xuân Hoa từ khi tận dụng rác thải nhà bếp làm phân hữu cơ rau xanh phát triển tốt hơn. Ảnh: Hội LHPN phường Hòa Thuận Tây.
Từ khi tham gia mô hình, nhiều hộ gia đình đã tận dụng không gian sân thượng, hành lang, lô đất trống để trồng rau sạch, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và giảm đáng kể lượng rác thải sinh hoạt. Bà Triệu Xuân Hoa (khu dân cư số 6, phường Hòa Thuận Tây) cho biết, gia đình bà đã trồng rau trên mảnh vườn nhỏ từ năm 2015. Từ khi được địa phương hướng dẫn kỹ càng về cách tận dụng rác thải nhà bếp làm phân hữu cơ, bà tiết kiệm được khoản chi phí phân bón hằng ngày, đồng thời rau xanh phát triển tốt hơn, hạn chế sâu bệnh hại.
Tương tự, bà Trần Thị Hằng (Tổ 38) chia sẻ, trước đây, rác thải thực phẩm hằng ngày bị gom chung với rác thải khác khiến lượng rác phát sinh rất lớn. Từ khi tham gia mô hình, lượng rác trong gia đình bà đã giảm đáng kể, không gian sống sạch sẽ hơn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Người dân phường Hòa Thuận Tây từ khi tham gia mô hình "Sạch từ bếp - Xanh từ vườn" đã hạn chế sử dụng phân bón hóa học và giảm đáng kể lượng rác thải sinh hoạt. Ảnh: Hội LHPN phường Hòa Thuận Tây.
Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây Phan Trọng Tín, cho biết chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình thực hiện mô hình, mở rộng ra các cơ sở nhóm trẻ, trường học trên địa bàn, đẩy mạnh công tác truyền thông bảo vệ môi trường và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Địa phương cũng có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản phẩm khởi nghiệp về phân hữu cơ từ rác bếp, giúp các hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Mô hình "Sạch từ bếp - Xanh từ vườn" ở Đà Nẵng không chỉ góp phần giảm rác thải mà còn xây dựng nếp sống xanh, hướng đến mục tiêu thành phố môi trường trong tương lai./.
Nam Trân
Bình luận