Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ sáu, 21/04/2023 20:04
TMO - Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, coi đây là khâu đột phá nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam.
Những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ đã tác động tiêu cực đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành và địa phương, sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ của quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tăng trưởng quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,52%. Tuy nhiên, tăng trưởng của cả nước và ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao; thị trường bị thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân.
Sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao.
Trong Công điện mới đây của Chính phủ về tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính không thật cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trình Chính phủ trong quý II năm 2023.
Tập trung hơn nữa cho 3 động lực tăng trưởng, gồm tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư. Đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa giá trị, quy mô lớn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tuần hoàn, phát thải thấp, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có sức cạnh tranh cao. Thúc đẩy phát triển hợp tác xã và các mô hình hợp tác trong nông nghiệp; nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giữa Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.
Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, coi đây là khâu đột phá nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về Khu công nghệ cao (trong đó có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao), trình Chính phủ trong quý II năm 2023; tổng kết Đề án thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Quyết định số 1931/QĐ-TTg ngày 07 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành các cơ chế chính sách mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đa dạng hoá sản phẩm nông sản, đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến tinh nhằm khắc phục tình trạng "được mùa mất giá", phụ thuộc mùa vụ và nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản. Triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương mại điện tử; phát triển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng vật tư đầu vào và thị trường tiêu thụ nông sản, duy trì và phát huy thị trường truyền thống, tiếp tục đàm phán mở thị trường mới, giảm thiểu phụ thuộc vào một vài thị trường; chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước, thúc đẩy xuất khẩu; triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021.
Thiên Lý
Bình luận