Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 05:11
Thứ sáu, 14/10/2022 04:10
TMO - Quảng Nam hội tụ đầy đủ điều kiện, lợi thế vùng đất ven sông, ven biển để phát triển đô thị và du lịch sinh thái. Những khu vực đô thị ven sông, ven biển nếu được quy hoạch, phát triển đúng hướng, bền vững sẽ giúp tỉnh Quảng Nam đi trước, đón đầu, duy trì nhịp độ phát triển.
Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho biết, Quảng Nam là một trong số ít các tỉnh Trung Bộ sớm lập đầy đủ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh để kiểm soát phát triển hệ thống đô thị của tỉnh. Mạng lưới đô thị; vai trò chức năng; trình độ phát triển xã hội; phát triển đô thị từng bước hình thành rõ nét; cơ cấu loại đô thị tương đối hợp lý, giữa đô thị và nông thôn có được mối liên kết hỗ trợ nhau, đảm bảo cho sự phát triển chung.
Tại Quảng Nam có một chuỗi đô thị ven biển đang giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như vậy gồm: Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), TP Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành.
Các đô thị ven biển, ven sông ở Quảng Nam bước đầu tạo được tính liên kết.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện địa phương này đang lập quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến quy hoạch này sẽ hoàn thành vào quý I năm 2023 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào giữa năm 2023. Tỉnh Quảng Nam định hướng phát triển đô thị ven biển, ven sông theo hướng sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh này đang xây dựng nhóm giải pháp quy hoạch không gian, quy hoạch xây dựng và quy hoạch kiến trúc đô thị ven biển, ven sông phù hợp với điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hoá địa phương
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia việc phát triển đô thị ven biển ở Quảng Nam còn tồn tại một số hạn chế. Đó là tính ổn định trong phát triển theo quy hoạch xây dựng chưa cao; Quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị chưa đáp ứng yêu cầu; Đô thị Hội An, Vĩnh Điện, một phần Tam Kỳ, Núi Thành đang bị tác động bởi nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, khu vực ven biển đang ưu tiên dành đất quy hoạch đô thị và theo đuổi mục tiêu phát triển đô thị bằng mọi giá, trong khi nguồn lực lại hạn chế dẫn đến việc phân tán đầu tư. Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án “treo", gây lãng phí đất đai.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc phát triển đô thị và đô thị biển luôn tạo ra động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, thực trạng phát triển các đô thị biển hiện nay tại một số địa phương đang nổi cộm lên nhiều vấn đề, đó là sự phát triển quá mức các cơ sở lưu trú, ăn uống dọc theo các tuyến đường ven bờ biển.
Việc quy hoạch các đô thị ven sông, ven biển cần phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tránh lãng phí, phá vỡ quy hoạch. Ảnh: BQN
Hiện tượng “phân lô, bán nền” mặt tiền biển xuất phát từ tư duy tập trung cho kinh tế trước mắt. Hậu quả là không gian biển bị phá vỡ bởi hệ thống nhà cao tầng chắn ngang mặt biển, thiếu không gian công cộng cho cộng đồng, quyền sử dụng bãi biển của người dân ngày càng bị thu hẹp. Sự quá tải về hạ tầng, tình trạng ô nhiễm môi trường biển do nước thải xả trực tiếp ra biển, vấn nạn tắc nghẽn giao thông đã xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng...
Do đó, để tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, địa phương này cần triển khai đồng bộ các giải pháp: phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án, bảo vệ tài nguyên và môi trường đất đai ven biển.
Trong việc quy hoạch phát triển đô thị ven sông, ven biển tỉnh Quảng Nam cần cần tính toán cân đối quy mô phát triển công nghiệp ở phân vùng phía Nam với quy mô phát triển du lịch ở phân vùng phía Bắc đảm bảo sự phát triển đồng đều, hỗ trợ lẫn nhau. Khu vực phân vùng phía Nam xây dựng đô thị công nghiệp gắn với cảng và khu công nghiệp. Xem xét mở rộng chùm đô thị du lịch biển Hội An – Điện Bàn sang địa bàn Thăng Bình (xã Bình Minh) nhằm khai thác nguồn tài nguyên biển khu vực này, xây dựng vùng đô thị du lịch lấy Hội An làm hạt nhân...
Bên cạnh hình thành các phân khu chức năng cho đô thị nói chung, quy hoạch xây dựng đô thị du lịch biển Hội An – Điện Bàn cần có ưu tiên không gian phát triển du lịch, hài hòa lợi ích cộng đồng Thực hiện chuyển đổi số và xác định các giải pháp xây dựng Hội An – Điện Bàn trở thành đô thị du lịch biển thông minh ngay trong giai đoạn quy hoạch. Áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, áp dụng tiêu chí xanh cho các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, điểm đến. Thực hiện các giải pháp đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thanh Tùng
Bình luận