Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 29/03/2025 17:03
Thứ tư, 26/03/2025 12:03
TMO - Phạm vi bảo vệ công trình thủy điện bao gồm công trình đập, hồ chứa, tuyến năng lượng, nhà máy, trạm điện, các công trình phụ trợ khác và vùng phụ cận.
Nghị định 62/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực 2024 về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực quy định: Trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện, các hoạt động phải đảm bảo không gây cản trở cho việc vận hành và bảo đảm an toàn công trình; phải có đường quản lý, mặt bằng để bảo trì và xử lý khi công trình xảy ra sự cố.
Trong đó, vùng phụ cận được quy định như sau: Vùng phụ cận của tuyến đập có phạm vi được tính từ chân đập trở ra. Đối với đập cấp đặc biệt tối thiểu là 300 m; đập cấp I tối thiểu là 200 m; đập cấp II tối thiểu là 100 m; đập cấp III tối thiểu là 50 m; đập cấp IV tối thiểu là 20 m; Vùng phụ cận của tuyến năng lượng: Trường hợp nhà máy thủy điện dạng sau đập, lòng sông, vùng phụ cận của tuyến năng lượng được quy định như tại mục a khoản này.
Trường hợp nhà máy thủy điện dạng đường dẫn hở từ cửa lấy nước đến hết kênh ra nhà máy thủy điện, vùng phụ cận của tuyến năng lượng được tính từ biên mái đào hoặc mái đắp trở ra tối đa là 5 m. Trường hợp các nhà máy thủy điện dạng hầm dẫn nước có cửa lấy nước, tháp điều áp hở, đường ống áp lực hở, nhà máy thủy điện, kênh ra nhà máy thủy điện thì vùng phụ cận của tuyến năng lượng được tính từ biên mái đào trở ra tối đa là 5 m. Vùng phụ cận của lòng hồ chứa thủy điện có phạm vi được tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập trở xuống phía lòng hồ, không bao gồm phần diện tích mặt hồ.
(Ảnh minh họa).
Phạm vi bảo vệ đối với trạm điện, nhà máy thực hiện theo quy định: Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành công trình trạm điện có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn đối với công trình trạm điện thuộc phạm vi quản lý. Người sử dụng đất, sở hữu cây có trách nhiệm không để nhà ở, công trình, cây trồng trên phần đất của mình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn trạm điện.
Trong hành lang an toàn trạm điện không được tập trung đông người, dựng lều quán, buôn bán, để xe, buộc gia súc, trừ trường hợp kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa trạm điện. Nhà ở và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải bảo đảm không làm hư hỏng bất kỳ bộ phận nào của trạm điện; không xâm phạm đường ra vào trạm điện, đường cấp thoát nước của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không của trạm điện; không làm cản trở hệ thống thông gió của trạm điện; không để cho nước thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện. Đường ra vào trạm điện có điện áp từ 110 kV trở lên phải bảo đảm cho phương tiện cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy di chuyển khi thực hiện nhiệm vụ.
Đối với Nhà máy điện và công trình điện lực khác: Phòng đặt trang thiết bị điện phải có biển báo khu vực nguy hiểm, đường thoát hiểm, hệ thống chiếu sáng đầy đủ, hệ thống thông gió làm mát thiết bị, cửa thông gió phải có lưới bảo vệ chống sự xâm nhập của các loài động vật; Tùy theo đặc tính kỹ thuật và yêu cầu bảo vệ của từng loại trang thiết bị điện, phải đặt lưới bảo vệ, vách ngăn và treo biển báo an toàn điện; phải bảo đảm khoảng cách an toàn từ lưới bảo vệ hoặc vách ngăn đến phần mang điện của trang thiết bị và có các biện pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu của môi trường đến hoạt động của trang thiết bị điện;
Hệ thống cáp điện trong nhà máy phát điện, công trình điện lực khác phải được sắp xếp trật tự theo chủng loại, tính năng kỹ thuật, cấp điện áp và được đặt trên các giá đỡ. Cáp điện đi qua khu vực có ảnh hưởng của nhiệt độ cao phải được cách nhiệt và đi trong ống bảo vệ; Hầm cáp, mương cáp phải có nắp đậy kín, thoát nước tốt, bảo quản sạch sẽ, khô ráo. Không được để nước, dầu, hóa chất, tạp vật tích tụ trong hầm cáp, mương cáp.
Hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng điện áp an toàn phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật điện và an toàn điện; Các trang thiết bị và hệ thống chống sét, nối đất trong nhà máy điện và các công trình điện lực khác phải được lắp đặt đúng thiết kế và được kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra định kỳ theo đúng quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện và an toàn điện.
Công trình thủy điện khi điều chỉnh quy mô, mục đích sử dụng, phải điều chỉnh vùng phụ cận phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này. Cơ quan phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phạm vi vùng phụ cận bảo vệ công trình./.
Thanh Thảo
Bình luận