Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ bảy, 07/09/2024 13:09
TMO - Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là chính sách được đưa ra nhằm mục đích giúp đỡ những người bị thu hồi đất và chủ sở hữu tài sản trên đất, giúp họ ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất và phát triển, bên cạnh các khoản bồi thường đã được chi trả.
Khi Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất ngoài việc được bồi thường (nếu đủ điều kiện được bồi thường) thì còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo Điều 108 Luật Đất đai gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống; Hỗ trợ ổn định sản xuất và kinh doanh; Hỗ trợ di dời vật nuôi; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp người bị thu hồi đất ở và phải di dời nhưng tiền bồi thường không đủ để nhận một suất tái định cư tối thiểu; Hỗ trợ tháo dỡ, phá dỡ, di dời tài sản gắn liền với đất là công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng nhưng đến thời điểm thu hồi đất giấy phép đã hết thời hạn;
Theo Điều 19 Nghị định 88/2024/NĐ-CP thì đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất gồm hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp. Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp nếu đủ điều kiện được bồi thường về đất thì được hỗ trợ ổn định đời sống:
Khi thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ: Hỗ trợ 06 tháng (nếu không phải di chuyển chỗ ở); Hỗ trợ 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; Hỗ trợ tối đa là 24 tháng (khi di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).
Đối với trường hợp thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ: Hỗ trợ 12 tháng (nếu không phải di chuyển chỗ ở); Hỗ trợ 24 tháng (nếu phải di chuyển chỗ ở); Hỗ trợ tối đa 36 tháng (khi phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).
(Ảnh minh họa).
Căn cứ quy định tại Điều 20 Nghị định 88/2024/NĐ-CP thì việc hỗ trợ ổn định sản xuất cho người sử dụng đất được thực hiện như sau: Đối tượng được hỗ trợ: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bị ngừng sản xuất, kinh doanh; có đủ điều kiện được bồi thường về đất; Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối.
Điều kiện hỗ trợ: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài được bồi thường về đất. Hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán đất phải có hợp đồng giao khoán.
Đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp: Hỗ trợ giống cây trồng; Giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp; Các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y; Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; Kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức cao nhất bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.
Hỗ trợ tái định cư được quy định chi tiết tại Điều 23 Nghị định 88/2024/NĐ-CP như sau: Người sử dụng đất nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất có giá trị thấp hơn giá trị 01 suất tái định cư tối thiểu sẽ được Nhà nước hỗ trợ khoản tiền chênh lệch giữa số tiền nhận bồi thường và giá trị suất tái định cư tối thiểu.
Nếu người sử dụng đất tự lo được chỗ ở, ngoài việc được Nhà nước bồi thường về đất, họ còn được nhận thêm 01 khoản tiền hỗ trợ tái định cư. UBND cấp tỉnh căn cứ quy mô diện tích đất ở thu hồi, số nhân khẩu của hộ gia đình và xem xét điều kiện cụ thể tại địa phương để có thể ban hành mức hỗ trợ cho phù hợp.../.
Hải Hà
Bình luận