Hotline: 0941068156
Thứ tư, 14/05/2025 19:05
Thứ tư, 14/05/2025 12:05
TMO - Thời hạn giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản không quá 50 năm; thời hạn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản không quá thời hạn nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành văn bản hợp nhất về quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Theo đó, đối với dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư mà có thời hạn đầu tư trên 30 năm thì thời hạn giao khu vực biển được xem xét, quyết định trên 30 năm nhưng không vượt quá thời hạn đầu tư ghi trên văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (trừ dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển).
Thời hạn giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản không quá 50 năm; thời hạn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản không quá thời hạn nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thời hạn giao khu vực biển có thể được gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian của các lần gia hạn không quá 20 năm.
Thời hạn công nhận khu vực biển cho tổ chức, cá nhân bằng với thời hạn còn lại trong quyết định giao đất, hợp đồng cho thuê đất có mặt nước ven biển, mặt nước biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp trước đó.
(Ảnh minh họa).
Văn bản hợp nhất cũng quy định rõ các hoạt động sử dụng khu vực biển không phải thực hiện thủ tục giao biển bao gồm: Hoạt động khai thác thủy sản trên biển; hoạt động bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản; hoạt động bảo tồn biển theo quy định của pháp luật về thủy sản, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; Hoạt động khắc phục hậu quả trực tiếp do thiên tai, sự cố môi trường gây ra trên biển; hoạt động xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai do Nhà nước đầu tư hoặc do tổ chức, cá nhân đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước với mục đích phi lợi nhuận theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai;
Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định tại Điều 19 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Hoạt động thăm dò dầu khí; hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và luồng hàng hải (trừ hoạt động nạo vét có kết hợp thu hồi sản phẩm) theo quy định của pháp luật; Hoạt động nghiên cứu khoa học, đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát trên biển do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện;
Hoạt động nghiên cứu khoa học, đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát trên biển do các tổ chức, cá nhân thực hiện theo nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ thực hiện bằng ngân sách nhà nước (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản);
Hoạt động hàng hải phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng và các kết cấu hạ tầng hàng hải được đầu tư bằng ngân sách nhà nước phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng với mục đích phi lợi nhuận; hoạt động xây dựng, lắp đặt các công trình phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng do Nhà nước đầu tư hoặc do tổ chức, cá nhân đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước với mục đích phi lợi nhuận; hoạt động khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, thu hồi dây cáp viễn thông trên biển; Hoạt động sử dụng khu vực biển phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, bao gồm cả trường hợp sử dụng khu vực biển để thực hiện nhận chìm ở biển./.
Lê Tâm
Bình luận