Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 07:04
Thứ hai, 14/04/2025 10:04
TMO - Chủ sở hữu, đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện có trách nhiệm lập, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện và tổ chức thực hiện phương án sau khi được phê duyệt.
Nghị định 62/2025/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực) quy định rõ nội dung phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện. Theo đó, căn cứ Điều 35 Nghị định trên, nội dung phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện bao gồm: Đặc điểm địa hình, thông số thiết kế, sơ đồ mặt bằng bố trí công trình, chỉ giới cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; Tình hình quản lý, khai thác và bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; Chế độ báo cáo, kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất;
Quy định việc giới hạn hoặc cấm các loại phương tiện giao thông có tải trọng lớn lưu thông trong phạm vi bảo vệ công trình; quy định về phòng cháy chữa cháy; bảo vệ an toàn nơi lưu trữ tài liệu, kho tàng cất giữ vật liệu nổ, chất dễ cháy, chất độc hại; Tổ chức lực lượng và phân công trách nhiệm bảo vệ công trình thủy điện, trang thiết bị hỗ trợ công tác bảo vệ;
Tổ chức kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra, vào công trình; Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, phá hoại công trình và vùng phụ cận của công trình thủy điện; Bảo vệ, xử lý khi công trình thủy điện xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố; Trách nhiệm của chủ sở hữu, đơn vị quản lý công trình thủy điện, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Chủ sở hữu công trình thủy điện nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 4 Điều này; chịu trách nhiệm về tính pháp lý, độ tin cậy, chính xác của các tài liệu sử dụng trong hồ sơ phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Hồ sơ bao gồm: Báo cáo thuyết minh phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này; Bản vẽ tổng mặt bằng công trình và các hạng mục công trình cần bảo vệ; Các tài liệu khác có liên quan.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện: Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương; Sở Công Thương tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn 01 huyện, thì Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan chuyên môn thuộc phạm vi quản lý là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án ứng bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện.
(Ảnh minh họa).
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận xem xét, kiểm tra; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện để hoàn chỉnh theo quy định; Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận tổ chức thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Trường hợp không đủ điều kiện phê duyệt, cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị phê duyệt để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; Cơ quan thẩm quyền phê duyệt có trách nhiệm phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ trình phê duyệt của cơ quan thẩm định.
Trong quá trình thẩm định, cơ quan thẩm định có trách nhiệm như sau: Đối với phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương, cơ quan thẩm định lấy ý kiến tổ chức có liên quan và chuyên gia; trình cấp thẩm quyền lấy ý kiến các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Đối với quy trình vận hành hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan thẩm định lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp huyện, tổ chức liên quan và chuyên gia; Các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện.
Trường hợp phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện sau 5 năm thực hiện còn phù hợp, không có nội dung điều chỉnh, bổ sung thì chủ sở hữu công trình thủy điện có trách nhiệm báo cáo cơ quan thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện cho phép tiếp tục được sử dụng phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện. Cơ quan thẩm quyền xem xét quyết định việc cho phép tiếp tục sử dụng phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc yêu cầu chủ sở hữu trình phê duyệt điều chỉnh phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện./.
Ngọc Hà
Bình luận