Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ năm, 03/10/2024 07:10
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 17/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu xảy ra trong vùng biển Việt Nam.
Theo đó, các bước điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển gồm: Lập kế hoạch điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển; Thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu; Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm; Đánh giá thiệt hại về môi trường; Thẩm định kết quả điều tra, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển.
Thông tin, tài liệu, dữ liệu về tổ chức, cá nhân gây ra sự cố tràn dầu gây ô nhiễm môi trường bao gồm: Thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân, số điện thoại liên hệ (đối với cá nhân); tên tổ chức, trụ sở, số điện thoại liên hệ, mã số doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với tổ chức);
Loại hình hoạt động; sản phẩm, công suất, nguyên liệu đầu vào; quy trình sản xuất (nếu có); Các văn bản, giấy phép, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực môi trường; Các thông tin cơ bản khác của tổ chức, cá nhân gây ra sự cố tràn dầu trên biển.
Thông tin về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội khu vực xảy ra sự cố tràn dầu; Thông tin về hiện trạng môi trường nước, trầm tích, đất ven biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển, các thành phần môi trường khác trước và sau khi xảy ra sự cố tràn dầu. Thông tin, tài liệu, dữ liệu, chứng cứ sử dụng để xác định thiệt hại ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu phải được thẩm định theo quy định của pháp luật.
(Ảnh minh họa).
Nội dung đánh giá thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu gây ra bao gồm: Xác định phạm vi, diện tích, độ sâu, thể tích khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, các loại hình hệ sinh thái, các loài bị thiệt hại được quy định tại khoản 2 của Điều này; Xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, các loài được quy định tại khoản 2 của Điều này.
Đối tượng bị thiệt hại do sự cố tràn dầu trên biển gây ra: Thành phần môi trường: môi trường nước biển; môi trường trầm tích, đất ven biển; Hệ sinh thái bao gồm: rừng ngập mặn; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái cỏ biển; Các loài động vật, thực vật phân bố tại Việt Nam bị chết thuộc danh mục: loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của CITES.
Phương pháp xác định phạm vi, diện tích và thể tích khu vực môi trường nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu bao gồm nhiều bước cụ thể đã được quy định rõ. Đầu tiên, cần thực hiện khảo sát thực địa và đo đạc để xác định chính xác phạm vi, diện tích và thể tích của khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ viễn thám và ảnh hàng không cũng rất quan trọng, trong đó quy trình bao gồm xác định phạm vi đánh giá, thu thập dữ liệu từ các vệ tinh như Sentinel và Landsat, xác định các tham số liên quan như chế độ chụp và độ phân giải, đồng thời thực hiện các bước lọc dữ liệu và phân đoạn ảnh.
Tiếp theo, trên cơ sở thông tin tổng hợp và kết quả đo đạc, sẽ tiến hành đánh giá tổng thể để xác định mức độ ô nhiễm. Đặc biệt, việc áp dụng mô hình tính toán thủy động lực học và môi trường là cần thiết với các bước như thiết lập mô hình, kết nối các mô hình với quy trình lan truyền và biến đổi dầu trong môi trường biển cũng như hiệu chỉnh và đánh giá mức độ chính xác của các kết quả.
Kết quả xác định diện tích, thể tích khu vực ô nhiễm sẽ phải được cơ quan có chức năng thẩm tra và được lập thành báo cáo theo mẫu ban hành tại phụ lục kèm theo Thông tư liên quan. Tương tự, đối với khu vực môi trường trầm tích và đất ven biển bị ô nhiễm cũng sẽ thực hiện khảo sát thực địa, đánh giá và lập báo cáo dựa trên dữ liệu thu thập được. Những quy trình này không chỉ giúp xác định được tình hình ô nhiễm chính xác mà còn hỗ trợ trong việc xây dựng các biện pháp ứng phó hiệu quả.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/ 2024. Tạo ra một khung pháp lý đồng bộ và khả thi cho công tác điều tra và bồi thường thiệt hại môi trường, giúp các cơ quan chức năng có phương pháp và quy trình làm việc thống nhất, từ đó giảm thiểu thiệt hại, nhanh chóng khắc phục hậu quả, và bồi thường hợp lý cho các nạn nhân bị ảnh hưởng.
Thông tư 17/2024/TT-BTNMT gồm 14 Điều, quy định quy trình cụ thể để điều tra và xác định thiệt hại môi trường do sự cố tràn dầu xảy ra tại vùng biển Việt Nam. Từ việc lập kế hoạch điều tra, thu thập thông tin đến phân tích và xác định thiệt hại môi trường, các tiêu chí cụ thể được nêu rõ nhằm đảm bảo tính chính xác trong việc đánh giá mức độ thiệt hại và mức bồi thường cần thiết. Đồng thời, cơ chế lập hồ sơ bồi thường cũng được quy định chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các nạn nhân. Hồ sơ bồi thường sẽ bao gồm mọi bằng chứng và tài liệu xác thực liên quan đến thiệt hại, giúp cơ quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định bồi thường một cách hợp lý và nhanh chóng.../.
Mai Hương
Bình luận