Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 22/02/2025 14:02
Thứ năm, 20/02/2025 16:02
TMO - Đến nay cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận 39 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng và bệnh lê dạng trùng. UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu tháng 2/2025 đến nay, bệnh tụ huyết trùng trâu bò đã xảy ra tại xã Ba Lòng và xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông làm chết 39 con trâu, bò (trong đó có 26 con được phát hiện chết tại khu vực rừng trồng thuộc thôn Kiên Phước, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong).
Sau khi phát hiện dịch bệnh, mặc dù đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch nhưng do trâu bò chăn thả rông trong rừng, ý thức của người chăn nuôi vẫn còn kém nên việc chăm sóc, điều trị không hiệu quả, hàng ngày vẫn có trâu bò mắc bệnh và chết.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh tụ huyết trùng trâu bò nhằm nhanh chóng kiểm soát và ổn định tình hình chăn nuôi. Để nhanh chóng kiểm soát và ổn định tình hình chăn nuôi, UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tập trung chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025.
Ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam; tăng cường, chấn chỉnh công tác kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trong nước. Tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan. Chỉ đạo, triển khai thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác để phòng bệnh theo quy định.
Trong đó, lưu ý bố trí 50% kinh phí địa phương để đảm bảo mua đủ số lượng vắc xin lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm, kịp thời tổ chức triển khai tiêm phòng đồng bộ cho đàn vật nuôi. Khẩn trương triển khai tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng trâu bò và lở mồm long móng vụ xuân 2025 trên địa bàn, đặc biệt là các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao, địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại... đạt tỉ lệ tiêm phòng tối thiểu 80% tổng đàn trâu, bò.
Các địa phương khẩn trương triển khai tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng và lở mồm long móng trên gia súc (Ảnh minh họa).
Đẩy mạnh việc triển khai quy hoạch chăn nuôi; điều kiện chăn nuôi; kê khai hoạt động chăn nuôi; giám sát môi trường chăn nuôi; an toàn thực phẩm trong chăn nuôi; giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường; quản lý, giám sát cơ sở an toàn dịch bệnh.
Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát của cơ quan thú y. Tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người chăn nuôi về tác hại cũng như lợi ích của việc tiêm phòng và các biện pháp phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh tụ huyết trùng nói riêng, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, chăn nuôi an toàn sinh học.
Riêng đối với UBND huyện Đakrông, cần tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND 2 xã: Ba Lòng, Triệu Nguyên triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống để dập tắt ổ dịch trong thời gian sớm nhất. Xem xét, cân đối nguồn ngân sách để cấp kinh phí phục vụ cho công tác chống dịch.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra, thể hiện đặc trưng là tụ huyết và xuất huyết ở các vùng da mỏng trên cơ thể. Bệnh tụ huyết trùng phát quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào mùa mưa và thời điểm chuyển mùa. Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hoá, vi khuẩn qua niêm mạc nhờ các vết xây xát nhỏ do rơm, cỏ cứng và dị vật, chúng xâm nhập vào máu đến hệ thống lympho ruột, hạch sau hầu làm hạch này sưng rất to.
Từ đó, vi khuẩn xâm nhập vào các hạch lympho khác như hạch trước vai, hạch trước đùi làm cho các hạch này cũng sưng to và bị thuỷ thũng. Bởi vậy trâu, bò bị bệnh tụ huyết trùng thường có biểu hiện đặc trưng là sưng hạch hầu. Trâu, bò mắc bệnh tụ huyết trùng thường ở 3 thể ác tính, cấp tính và mãn tính. trong đó phổ biến là thể cấp tính. Bệnh tiến triển từ ba đến năm ngày, tỷ lệ chết lên đến 90 tới 100%.
Còn bệnh lê dạng trùng là bệnh truyền qua vật chủ trung gian từ các loài ve, chúng hút máu trâu, bò bệnh sau đó truyền bệnh cho con khỏe, gây tỷ lệ chết cao. Để phòng bệnh, cần tiêm phòng vắc-xin định kỳ, thuốc trị ký sinh trùng; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ tiêu độc, khử trùng; tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Người chăn nuôi cần báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y khi phát hiện trâu, bò bị bệnh. Tuyệt đối không mua, bán trâu, bò bệnh; không giết mổ trâu, bò chết không rõ nguyên nhân. Đối với các địa phương phát hiện có trâu, bò bị bệnh cần tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở chăn nuôi để có phương án ứng phó kịp thời. Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tổng hợp để khống chế, bao vây, dập tắt dịch bệnh trong diện hẹp.
Đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong chăn nuôi gia súc đến người dân nhằm dần thay đổi, nâng cao nhận thức, từ bỏ thói quen chăn nuôi thả rông, chuyển sang chăn nuôi chuồng trại tập trung. Vận động, khuyến khích người chăn nuôi tận dụng những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ nhằm bảo đảm nguồn thức ăn cho gia súc và hỗ trợ người dân xây dựng chuồng trại.
Đức Minh
Bình luận