Hotline: 0941068156
Thứ ba, 04/02/2025 23:02
Thứ ba, 04/02/2025 06:02
TMO - Hiện nay, công tác đầu tư, củng cố hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống kênh mương thủy lợi tại tỉnh Quảng Trị luôn được chú trọng. Để bảo đảm nguồn nước tưới cho ngành nông nghiệp sản xuất hàng hóa, vùng chuyên canh, tỉnh Quảng Trị ưu tiên đầu tư, nâng cấp hạ tầng cho ngành nông nghiệp, nhất là các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Hải Lăng.
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội. Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 500 công trình thủy lợi, hồ chứa và đập dâng lớn nhỏ với tổng dung tích thiết kế gần 423 triệu m3 nước.
Trong đó, có một số hồ chứa lớn như Ái Tử, Nghĩa Hy, Đá Mài, Trúc Kinh, Bảo Đài, La Ngà, 2 đập dâng Nam Thạch Hãn, Sa Lung, 27 trạm bơm điện với tổng công suất lắp máy 1.568 KW, 9 cống đập ngăn mặn và 170 tuyến kênh có tổng chiều dài 866 km. Hầu hết các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đã lâu, thời gian sử dụng trên 30 năm, công trình đi qua nhiều vùng có địa hình và địa chất phức tạp cùng với khí hậu khắc nghiệt nên đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, cần được đầu tư duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa.
Tại huyện Hải Lăng, trước đó vào tháng 5/1976, thực hiện chủ trương của trung ương về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và huyện, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Sau khi nhập tỉnh, ngày 5/3/1977, Tỉnh ủy Bình Trị Thiên ra Nghị quyết số 02 về sáp nhập các huyện trong tỉnh, hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng thành huyện Triệu Hải.
Thời kỳ này đóng những dấu mốc đáng nhớ trong công tác trị thủy, phát triển hệ thống thủy lợi, mở mang kênh mương tưới tiêu, đặt nền móng cho sự phát triển nông nghiệp của huyện Hải Lăng cho đến bây giờ. Ngay sau đó người dân Hải Lăng lúc bấy giờ là tích cực khai hoang phục hóa, mở mang diện tích trồng trọt, cải tạo đồng ruộng, đồng thời chú trọng xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ thâm canh cây lúa nước. Coi thủy lợi là biện pháp hàng đầu, đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi trong toàn vùng.
Đặc biệt, được sự quan tâm của trung ương và của tỉnh Quảng Trị, có sự hỗ trợ, giúp sức của Nhân dân toàn tỉnh Bình Trị Thiên, công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn được khởi công xây dựng từ tháng 3/1978 đến tháng 6/1979 đưa vào khai thác, cung cấp nước tưới cho địa bàn nhiều xã của Hải Lăng, bình quân đến các năm 1984 -1985 tưới được từ 7.000 - 7.500 ha đồng ruộng/năm.
Ngoài ra, huyện đã đầu tư 14 triệu đồng với 1,5 triệu ngày công của các hợp tác xã xây dựng được 68 công trình thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ tưới tiêu nước. Ở vùng gò đồi đã xây dựng, hình thành được 5 hồ chứa nước quy mô vừa và một số hồ nhỏ chứa được 11 triệu m3 nước, trong đó có những hồ ở các xã Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Lâm, Hải Phú... Nhờ có thêm nguồn nước tưới và đẩy mạnh phong trào thâm canh nên năng suất cây lúa tăng lên rõ rệt.
Huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) luôn chú trọng duy tu, bảo dưỡng, mở mang hệ thống thủy lợi để đảm bảo công tác tưới tiêu.
Trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Lăng luôn chú trọng duy tu, bảo dưỡng, mở mang hệ thống thủy lợi để đảm bảo công tác tưới tiêu kịp thời, hiệu quả. Con số thống kê cho thấy, trong năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm trên địa bàn huyện được tưới là 18.304,64 ha, trong đó tổng diện tích cây lúa được tưới là trên 13.600 ha. Trong số 13.600 ha lúa được tưới, nông dân dùng nước tự chảy để tưới là 4.617,14 ha, dùng bơm điện để tưới là trên 9.000 ha và 73 ha dùng bơm dầu.
Những địa phương có diện tích gieo trồng được tưới nhiều so với các xã trong huyện, đó là các xã: Hải Phong (2.410,27 ha), Hải Dương (2.112,8 ha), Hải Định (1.870,82 ha), Hải Hưng (1.824,5 ha), Hải Ba (1.136,2 ha)...Hiện nay, tổng chiều dài kênh mương trên địa bàn huyện Hải Lăng gần 360 km, trong đó đã kiên cố hóa 178,78 km, đạt tỉ lệ gần 50 %.
Trong số này, tỉ lệ kênh mương được kiên cố ở một số xã khá cao như Hải Phú (92,08%), Hải Lâm (85,07%), Hải Quế (68,38%), Hải Ba (66,49%).. Bên cạnh nguồn nước từ hệ thống thủy lợi tự chảy, để sẵn sàng bơm tưới cho lúa khi vào vụ cũng như chủ động chống úng ở vùng thấp trũng, huyện Hải Lăng cũng đã bố trí hệ thống trạm bơm tưới, trạm bơm tiêu và trạm bơm tưới tiêu kết hợp.
Toàn huyện hiện có 55 trạm bơm tưới với tổng lưu lượng thiết kế 51.800 m3/h; 5 trạm bơm tiêu với tổng lưu lượng thiết kế 28.300 m3/h; 26 trạm bơm tưới tiêu kết hợp với tổng lưu lượng tưới thiết kế 45.700 m3/h, tổng lưu lượng tiêu thiết kế 45.700 m3/h. Những địa phương được bố trí nhiều trạm bơm để tưới, tiêu phải kể đến các xã: Hải Phong (10 cái), Hải Chánh (8 cái), Hải Định (7 cái), Hải Hưng (7 cái)... Huyện Hải Lăng cũng đã đưa 26 đập, hồ chứa nước hiện có trên địa bàn tham gia cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp với tổng dung lượng thiết kế 16,635 triệu m3 nước, phân bổ trên địa bàn các xã: Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Lâm, Hải Thượng, Hải Định, Hải Phú...
Toàn huyện Hải Lăng hiện có 55 trạm bơm tưới với tổng lưu lượng thiết kế 51.800 m3/h. (Ảnh minh hoạ).
Tận dụng nguồn nước của các hồ: Kiều Ngự (Hải Phú), Trằm Khang (Hải Trường), Khe Chè (thị trấn Diên Sanh); các đập: Họ Phan (Hải Thượng), Bàu Sửu (Hải Lâm), Trường Xuân, Trằm Vụng (Hải Trường), Tân Trưng, Ruộng Cấy (Hải Chánh); Trằm Trà Lộc (Hải Hưng)...để “dẫn thủy nhập điền”, nhất là khi thời tiết khô hạn. Nhờ những nỗ lực đó, hiện nay, huyện Hải Lăng là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất lúa của tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm (năm 2024) đạt trên 13.600 ha. Năng suất bình quân toàn huyện đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 64,67 tạ/ha. Sản lượng thóc đạt 88.188,4 tấn. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 126 triệu đồng/ha.
Cùng với việc chú trọng triển khai, nâng cấp cải tạo hệ thống thuỷ lợi, sau hơn 12 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến hết tháng 12/2024, toàn huyện Hải Lăng đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cùng với sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, với tổng nguồn vốn trên 2.813 tỷ đồng, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình, góp công, góp sức của nhân dân, huyện Hải Lăng đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ở Hải Lăng thay đổi rõ nét, kinh tế phát triển toàn diện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thuỷ lợi được đầu tư, nâng cấp đồng bộ theo hướng hiện đại nhất là hệ thống đường giao thông; hệ thống trường học, y tế, dịch vụ công từng bước hoàn chỉnh phục vụ tốt nhu cầu nhân dân; các thiết chế văn hoá thể thao cơ sở được bảo tồn, phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp hiệu quả hơn.
Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu, hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, có nhiều mô hình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao như: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, mô hình mô hình cây dược liệu, cây có múi, các mô hình chăn nuôi bò, lợn, gà công nghệ cao, cá lồng trên sông…
Nhờ có hệ thống thuỷ lợi đồng bộ ngành nông nghiệp của huyện Hải Lăng đã có bước phát triển đột phá, đời sống Nhân dân được nâng cao. Hệ thống các công trình thủy lợi góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản cho Nhân dân trong vùng. Từng bước đáp ứng nhu cầu cấp nước đa mục tiêu, đảm bảo công tác tưới tiêu ổn định, chủ động cho diện tích gieo cấy lúa 2 vụ.
Hệ thống này góp phần rất lớn cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp như giống, mùa vụ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi...; là yếu tố quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt phương châm “phát triển gắn với bền vững”.
Quỳnh Trâm
Bình luận