Hotline: 0941068156
Thứ tư, 23/07/2025 21:07
Thứ tư, 23/07/2025 06:07
TMO - Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh phát triển đa dạng đối tượng nuôi trồng thủy sản trên vùng biển ven bờ. Ngoài các loài truyền thống, nhiều mô hình nuôi mới đã được triển khai, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân.
Sự đa dạng hóa này không chỉ góp phần giảm thiểu rủi ro mà còn hướng tới phát triển bền vững ngành kinh tế biển của địa phương. Tại các vùng biển Vũng Chùa – Đảo Yên, người dân xã Phú Trạch đã chuyển hướng từ mô hình đơn loài sang nuôi ghép hoặc luân canh nhiều loài phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Những loài có giá trị kinh tế đang được đưa vào sản xuất với quy mô ngày càng mở rộng, vừa tạo sinh kế ổn định, vừa góp phần cải thiện môi trường nước. Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị cũng đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ.
Việc phát triển đa dạng vật nuôi không chỉ giúp bà con giảm thiểu rủi ro trước dịch bệnh và thời tiết thất thường mà còn tạo nền tảng cho kinh tế biển địa phương tăng trưởng bền vững. Vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Phú Trạch) rộng hàng trăm ha, khá kín gió và không nằm trong tuyến hàng hải nên rất thuận tiện cho việc phát triển nghề nuôi thủy sản trên biển.
Trước đó, vào năm 2022, Chi cục Thủy sản (nay là Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã triển khai dự án hỗ trợ người dân thực hiện mô hình nuôi cá bớp bằng lồng nhựa tại biển Vũng Chùa - Đảo Yến. Đồng hành với người dân, chi cục đã cử cán bộ giám sát việc thực hiện mô hình, kiểm tra thực tế, hướng dẫn quy trình kỹ thuật... Nhờ đó, đã hình thành vùng nuôi thủy sản trên biển với quy mô ngày càng lớn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, một số vùng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Trị đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn do biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, vấn đề ô nhiễm môi trường làm suy thoái các vùng nuôi.
Trước thực trạng này, việc tìm kiếm vật nuôi phù hợp nhằm đa dạng giống thủy sản, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế đã được triển khai có hiệu quả tại một số địa phương. Từ việc chỉ nuôi cá bớp, các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên biển Vũng Chùa - Đảo Yến đã mở rộng nhiều loại vật nuôi khác, như: Cá mú, cá dìa, tôm hùm, ốc hương... Đặc biệt, mô hình nuôi cá bớp cho hiệu quả kinh tế khá cao, tuy nhiên, nếu chỉ nuôi một loại, khi xảy ra rủi ro do dịch bệnh hoặc giá cả không ổn định, người nuôi sẽ thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Bên cạnh đó, thấy được tiềm năng từ giống hàu đại dương và hàu sữa, đầu năm 2025, một số hộ dân ở xã Phú Trạch đã triển khai nuôi thử nghiệm giống hàu này trên vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến. Trung bình mỗi bè nuôi hàu rộng khoảng 600m2, thả nuôi khoảng 5.000 dây giá thể cấy hàu giống. Quá trình nuôi, hàu không cần cho ăn bởi thức ăn của hàu chủ yếu là tảo đơn bào, chất hữu cơ lơ lửng trong nước.
Người nuôi chỉ cần theo dõi và vệ sinh để hạn chế các sinh vật bám vào làm cho hàu chậm phát triển. Giống hàu đại dương và hàu sữa thời gian nuôi khoảng từ 7 - 8 tháng là có thể thu hoạch. Mỗi dây hàu trưởng thành khoảng 30 - 40 con, trọng lượng từ 10 - 15kg. Theo cam kết của các đơn vị bao tiêu sản phẩm, hàu sẽ được thu mua tận bè với giá bán dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg; nếu bán lẻ cho thương lái khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg.
(Ảnh minh họa).
Thấy được tiềm năng từ nuôi hàu đại dương và hàu sữa, hiện nay trên vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến đã có 18 hộ tham gia nuôi hàu với tổng diện tích khoảng 3.000m2. Lãnh đạo HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa - Đảo Yến cho biết thêm, để đa dạng đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương dần thay thế các vật nuôi kém hiệu quả, từ tháng 1/2025, đơn vị đã triển khai thí điểm mô hình nuôi trồng rong sụn với diện tích hơn 800m2. Đây là loài rong biển có giá trị kinh tế, có thể chế biến thành các dạng thực phẩm với hàm lượng dinh dưỡng cao.
Sau hơn 6 tháng nuôi thử nghiệm để mở rộng mô hình cho thấy, cây rong sụn phát triển tốt, thích nghi với điều kiện môi trường nơi đây. Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ cây rong sụn, hiện 18 thành viên trong HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa - Đảo Yến đang tập trung nhân giống, chuẩn bị bè nuôi để triển khai thực hiện mô hình nhằm phát triển vùng nuôi rong sụn trên diện tích lớn.
Mô hình nuôi thủy sản trên biển không chỉ giải quyết việc làm mà còn tạo ra nguồn thu nhập khá cao cho người nuôi bởi nhìn chung sản phẩm có giá bán ổn định, nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn. Lợi nhuận mỗi năm khoảng 200 - 500 triệu đồng/hộ tùy theo diện tích nuôi. Nuôi thủy sản trên biển đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Tuy nhiên, việc phát triển nghề này tại xã Phú Trạch hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng để vận chuyển thức ăn cũng như sản phẩm vào bờ chưa có. Vùng biển này cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước vì xung quanh khu vực có nhiều nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động. Trước những khó khăn đó, rất cần các giải pháp đồng bộ để nghề nuôi thủy sản trên biển phát triển ổn định, an toàn, bền vững và hiệu quả.
Để phát triển nghề nuôi thủy sản trên biển Vũng Chùa - Đảo Yến, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư sẽ đồng hành với các hộ dân trong việc hỗ trợ lồng bè, con giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhằm khuyến khích người dân tiếp tục nhân rộng diện tích, đa dạng vật nuôi.
Đáng chú ý, tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh, Quảng Trị chú trọng phát triển các tiểu vùng, trong đó, vùng ven biển sẽ là vùng trọng điểm phát triển các đô thị du lịch, khu du lịch tổng hợp ven biển, kết nối với đảo Cồn Cỏ; hình thành các tổ hợp nuôi trồng, chế biến thủy sản hiện đại, thân thiện môi trường; phát triển các tổ hợp công nghiệp sạch kết hợp với dịch vụ và đô thị, dân cư; duy trì, phục hồi và mở rộng dải rừng phòng hộ ven biển, phục hồi môi trường vùng rừng sinh thái vùng cát; phát triển Khu kinh tế Đông Nam là khu kinh tế biển tổng hợp…
Với sự vào cuộc tích cực của ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương trong hỗ trợ kỹ thuật, kết nối thị trường là yếu tố quan trọng giúp các mô hình nuôi trồng thuỷ sản phát huy hiệu quả. Trong thời gian tới, Quảng Trị nói chung và khu vực biển Vũng Chùa- Đảo Yến nói riêng sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là nền tảng để kinh tế biển địa phương không chỉ tăng trưởng ổn định mà còn có những đột phá nhất định.
Kim Oanh
Bình luận