Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 03/11/2024 03:11
Thứ bảy, 02/11/2024 11:11
TMO - Thời gian qua, với sự nỗ lực và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị cũng như người dân trên địa bàn, tỉnh Quảng Trị đã ban hành các Quyết định chủ trương nhằm nâng cao năng lực quản lý, triển khai hiệu quả việc xử lý chất thải rắn, hướng tới bảo vệ môi trường bền vững.
Hiện nay, công tác quản lý chất thải rắn nói chung và CTR sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 8 bãi chôn lấp chất thải rắn, 3 lò đốt tập trung; phương tiện và trang thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn được đầu tư, nâng cấp.
Nhờ đó, tỉ lệ CTR sinh hoạt được thu gom tăng lên đáng kể, ở khu vực thành thị đạt khoảng 98%, khu vực nông thôn khoảng 77,3%. Tuy nhiên, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu với tần suất, cường độ ngày càng tăng không chỉ gây ra nhiều tổn thất lớn về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường và sự phát triển KT-XH.
Nhằm từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn từng khu vực, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nâng cao năng lực thu gom, xử lý chất thải rắn bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị.
Hiện tại khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị gồm 2 huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh có khối lượng rác thải được thu gom, vận chuyển, xử lý khoảng 100 tấn/ngày; tỉ lệ phân loại rác thải tại nguồn của 2 huyện chỉ đạt khoảng 20% - 30%. Dự kiến trong những năm tới, lượng rác thải sẽ tiếp tục tăng dần.
Rác thải chưa tiến hành phân loại và được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, công suất xử lý của các bãi rác hiện tại không thể đáp ứng được các nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt dẫn đến tình trạng các bãi rác trên địa bàn 2 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh đều quá tải. Mặt khác, hệ thống xử lý nước thải, khí thải của các bãi xử lý rác thải đã xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đời sống người dân trong khu vực.
Để giải quyết hiệu quả vấn đề quá tải trong hệ thống thu gom và xử lý rác thải, việc triển khai đồng bộ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn nhằm giảm thiểu khối lượng cần xử lý và áp dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình xử lý rác thải là cần thiết, phù hợp với thực trạng của các địa phương và quy định quản lý rác thải sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đồng thời, đáp ứng Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nâng cao năng lực thu gom, xử lý chất thải rắn bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị.
Dự án thực hiện nhằm đạt được mục tiêu góp phần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị đảm bảo tỉ lệ được tái sử dụng, tái chế trên chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 65%; tỉ lệ chất thải rắn được tái sử dụng và tái chế thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân bón đạt trên 85% nhằm đáp ứng với Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh Quảng Trị chú trọng công tác quản lý, thu gom chất thải rắn trên địa bàn. (Ảnh minh hoạ).
Đồng thời phù hợp với Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021- 2025, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và đáp ứng tiêu chí về Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đáp ứng mục tiêu Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Thông qua việc thực hiện dự án sẽ nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác và xử lý, tái sử dụng chất thải rắn nhằm giảm thiểu khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần phải xử lý bằng các phương pháp chôn lấp, đốt.
Đồng thời thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải từ rác sinh hoạt với công suất khoảng 100 tấn rác thải/ ngày đêm của toàn huyện Vĩnh Linh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung tái sử dụng chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy để ủ phân Compost; chất thải nhựa khó phân hủy được đem đốt và chôn lấp hợp vệ sinh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tạo cảnh quan môi trường hướng đến phát triển KT-XH của tỉnh ngày bền vững.
Đảm bảo tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Gio Linh, Vĩnh Linh theo quy định của Chính phủ (tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp trực tiếp nhỏ hơn hoặc bằng 50% tổng lượng phát sinh) và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1055/ QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án tập trung đầu tư các hạng mục như: tập huấn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, kỹ thuật phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn; hỗ trợ phương tiện, dụng cụ, thiết bị cho địa phương phục vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Xây dựng nhà xưởng và thiết bị phân loại rác thải tại khu vực xử lý; xây dựng khu vực xử lý rác thải hữu cơ như nhà xưởng sản xuất phân bón vi sinh. Lắp đặt lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, công suất 1.500 kg/giờ; xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không xử lý được bằng phương pháp đốt, tro xỉ sau quá trình đốt và các hạng mục phụ trợ khác. Thời gian thực hiện dự án trong 3 năm từ 2024-2026 tại các huyện Gio Linh và Vĩnh Linh. Kết quả thực hiện dự án này sẽ góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường và hạn chế cơ bản việc tác động của rác thải sinh hoạt đến sản xuất, đời sống của người dân và sự phát triển KT-XH trong khu vực.
Việc đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hạn chế thấp nhất lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, là mục tiêu để Quảng Trị hướng tới phát triển tuần hoàn, bền vững.
Ngọc Lý
Bình luận