Hotline: 0941068156
Thứ năm, 03/07/2025 08:07
Thứ tư, 02/07/2025 13:07
TMO - Ngày 1/7/2025 trở thành dấu mốc đặc biệt cho sự phát triển của tỉnh Quảng Trị (mới), khi chính quyền địa phương hai cấp chính thức vận hành. Đây không chỉ là sự kiện hành chính đơn thuần mà còn là bước chuyển mình chiến lược trong tiến trình đổi mới quản trị, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Người dân thực hiện các thủ tục hành chính
tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Quảng Trạch.
Ngay từ sáng ngày 1/7, tại các trụ sở cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mới, tiêu biểu là xã Quảng Trạch, không khí làm việc diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, đồng bộ. Cán bộ, công chức, viên chức có mặt đầy đủ, các bộ phận chuyên môn được bố trí lại khoa học, phù hợp với cơ cấu mới, sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết công việc cho người dân như những ngày làm việc thông thường.
Trung tâm phục vụ hành chính công tại các xã, phường, đặc khu hoạt động ổn định, không xảy ra ách tắc, gián đoạn. Nhiều người dân đến làm thủ tục hành chính đã bày tỏ sự hài lòng về sự chuyên nghiệp, nhiệt tình và hiệu quả của đội ngũ cán bộ công chức.
Ông Võ Văn Thống (thôn Hòa Bình, xã Quảng Trạch) chia sẻ: Tôi từng lo lắng rằng việc sáp nhập sẽ khiến thủ tục hành chính bị chậm trễ, nhưng khi tôi đến làm hồ sơ về đất đai thì được hướng dẫn rất cụ thể, nhanh gọn. Điều đó khiến tôi tin tưởng hơn vào bộ máy mới và kỳ vọng tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.
Việc thành lập tỉnh Quảng Trị (mới) trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cũ không chỉ mang ý nghĩa hành chính. Đây là quyết sách chiến lược cải cách toàn diện, với mục tiêu đổi mới mô hình quản lý, tối ưu nguồn lực, giảm đầu mối, tăng hiệu quả phối hợp, loại bỏ tình trạng trùng lặp chức năng.
Theo phương án tổ chức bộ máy mới, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã được tinh gọn, hợp nhất các phòng ban có chức năng tương đồng; chính quyền cấp xã đồng loạt kiện toàn nhân sự, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh giản nhưng hiệu quả. Việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp cũng được tiến hành kỹ lưỡng, bảo đảm đúng người, đúng việc, có trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển tiếp đầy thử thách.
Lãnh đạo UBND xã Quảng Trạch nhận nhiệm vụ.
Trước đó, ngày 30/6/2025, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Bình, Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã đã được tổ chức long trọng.
Tại buổi lễ, các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể của tỉnh Quảng Trị (mới) đã được thành lập và công bố. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 61 đồng chí, trong đó 35 người từ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình (cũ) và 26 người từ Quảng Trị (cũ).
Các chức danh chủ chốt của tỉnh mới đã được Trung ương chỉ định và công bố, bảo đảm tính kế thừa, ổn định và phát triển: Ông Lê Ngọc Quang Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (cũ) được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (mới). Ông Nguyễn Đăng Quang đảm nhiệm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị (mới). Ông Trần Phong đảm nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (mới).
Tỉnh Quảng Trị (mới) sau sáp nhập có diện tích gần 12.700 km², dân số hơn 1,8 triệu người, gồm 78 đơn vị hành chính cấp xã, phường, đặc khu. Trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình cũ). Với quy mô mới, tiềm lực mới, tỉnh Quảng Trị được kỳ vọng sẽ trở thành cực tăng trưởng mạnh của khu vực Bắc Trung Bộ, tạo ra nhiều không gian phát triển mới, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng và đô thị một cách toàn diện, đồng bộ.
Việc vận hành chính quyền hai cấp một cách trôi chảy, khoa học và ổn định trong ngày đầu tiên không chỉ là thành công về mặt tổ chức hành chính. Quan trọng hơn, đó là minh chứng cho tinh thần chuẩn bị chu đáo, sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Nơi hiệu quả phục vụ người dân là thước đo, và niềm tin của nhân dân là động lực cho mọi hành động, mọi chính sách.
Ngày 1/7/2025 sẽ được ghi nhớ như một bước ngoặt lịch sử của tỉnh Quảng Trị, không chỉ về mặt hành chính – tổ chức mà còn về khát vọng kiến tạo một mô hình chính quyền hiện đại, năng động, gần dân và vì dân. Một tỉnh Quảng Trị hội nhập, phát triển, công bằng và bền vững đang từng bước hiện hình từ nền móng của đổi mới./.
Nhật Nông
Bình luận