Hotline: 0941068156
Thứ tư, 14/05/2025 22:05
Thứ tư, 14/05/2025 14:05
TMO - Vụ sản xuất lúa Hè Thu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thường gặp những bất lợi do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước có thể xảy ra đối với các vùng cuối kênh.
Vụ Hè Thu 2025, toàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ gieo trồng khoảng 60.700 ha, trong đó có hơn 35.000 ha lúa và hơn 25.000 ha rau màu, cây trồng hàng năm khác. Tuy nhiên, dự báo khí tượng cho thấy mùa hè năm nay có thể xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, nhiệt độ có thể lên tới 41°C.
Lượng nước trữ của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh trong vụ Hè Thu có khả năng sẽ giảm nhanh, nhất các hồ chứa, đập dâng có quy mô nhỏ (ở huyện Bình Sơn, huyện Sơn Tịnh, thị xã Đức Phổ) nếu nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng, kéo dài. Do đó, vùng tưới cuối kênh chính, vùng tưới của các hồ chứa, đập dâng có quy mô nhỏ khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cuối vụ.
Trước dự báo thời tiết nắng nóng kéo dài và nguy cơ khô hạn cục bộ, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu 2025.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho vụ sản xuất, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ thiếu nước. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống do Sở Sở NN&MT khuyến cáo được đặt lên hàng đầu.
Các địa phương cũng được chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các phòng ban chuyên môn và chính quyền cơ sở để vận động nông dân tích cực tham gia nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tu sửa hệ thống thủy lợi nhỏ. Việc quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình thủy lợi và xây dựng phương án chống hạn chi tiết cũng là những nhiệm vụ cấp bách.
Các địa phương vận động nông dân tích cực tham gia nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tu sửa hệ thống thủy lợi nhỏ (Ảnh: BQN).
Tổ chức phát động tuần lễ cao điểm ra quân diệt chuột và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ, với mục tiêu huy động sự tham gia của toàn dân để bảo vệ sản xuất và sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh khuyến khích mạnh mẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đặc biệt ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, đảm bảo phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của từng địa phương.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cũng được đặc biệt chú trọng, bao gồm các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), quy trình sản xuất “1 phải 5 giảm”, khuyến khích liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Nông dân cũng được hướng dẫn bón phân cân đối, hợp lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.
Để đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn lịch thời vụ, cơ cấu giống, tăng cường dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh và khuyến cáo các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Sở cũng sẽ phối hợp thường xuyên với Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi để kịp thời nắm bắt thông tin thời tiết và tham mưu các biện pháp ứng phó với các tình huống bất thường.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường còn có trách nhiệm tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng. Đồng thời, triển khai hiệu quả công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cũng như phòng, chống các bệnh hại nguy hiểm trên cây sắn và cây keo./.
Ngọc Lan
Bình luận