Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
TMO - Đây là một trong những nội dung trong việc tăng cường quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới.
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan ban ngành thường xuyên rà soát, đánh giá tiến độ, chất lượng, việc thực hiện các cam kết liên quan của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân được cho thuê dịch vụ rừng để trồng sâm Ngọc Linh; kịp thời chấn chỉnh diện tích được cho thuê hoặc thu hồi, chấm dứt dự án; kiên quyết nói không với tình trạng “giữ chỗ” hoặc các tác động xấu đến môi trường.
Nghị quyết cũng yêu cầu các cơ quan liên quan phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát, quản lý vùng trồng sâm Ngọc Linh, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của các chủ rừng.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết (áo trắng) thăm vườn sâm Ngọc Linh giống. Ảnh: (CTT QN).
Mục tiêu của Nghị quyết 40-NQ/TU của Tỉnh uỷ Quảng Nam nhằm bảo tồn, xây dựng và phát triển sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực của tỉnh Quảng Nam; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Phát triển sâm Ngọc Linh gắn với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Bước đầu hình thành công nghiệp dược liệu với sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực trên địa bàn Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung.
Theo đó, năm 2030, Quảng Nam sẽ phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu sâm Ngọc Linh với tổng diện tích 8.400 ha. Tổng sản lượng sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn (diện tích khai thác khoảng 300 - 350 ha/năm). Xây dựng các khu bảo tồn và vườn sưu tập nguồn gen cây sâm Ngọc Linh. Nâng cấp 2 khu vực bảo tồn nguồn giống gốc sâm Ngọc Linh,... Đến năm 2035 sẽ phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh lên đến 10.000 ha.
Người dân thăm mô hình trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng ở huyện Nam Trà My. (Ảnh: N.T).
Lãnh đạo Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam nhận định, việc phát triển sâm Ngọc Linh hiện còn manh mún, thiếu vùng trồng tập trung đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Quy định về trồng cây dược liệu trong rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất còn chưa rõ ràng khiến người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn khi phát triển vùng trồng. Nghị quyết 40-NQ/TU sẽ là cơ sở để tỉnh Quảng Nam xây dựng các chính sách và cơ chế phù hợp, đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, mang tầm thương hiệu quốc gia, điều mà các doanh nghiệp trồng và sản xuất các sản phẩm sâm Ngọc Linh rất cần trong thời điểm này.
Tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch 15.567 ha cho việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Đến nay, diện tích trồng thực tế đạt 1.243 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Nam Trà My.
Nam Trân
Bình luận