Hotline: 0941068156
Thứ ba, 25/02/2025 20:02
Thứ hai, 24/02/2025 12:02
TMO - Tỉnh Quảng Nam xác định quảng bá, xúc tiến sản phẩm OCOP thông qua hoạt động du lịch là phương thức xuất khẩu hàng hóa tại chỗ hiệu quả nhằm đưa sản phẩm địa phương vươn ra thị trường quốc tế.
Ưu tiên sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh năm 2025. Theo mục tiêu đặt ra, Quảng Nam sẽ hỗ trợ phát triển, nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận, phấn đấu trong năm 2025 có ít nhất 80% số sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Trong đó, có từ 15 - 20 sản phẩm 4 sao; 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao,…
Quảng Nam cũng sẽ tập trung xây dựng, nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện. Đảm bảo đến cuối năm 2025, tất cả huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều có ít nhất 1 - 2 điểm bán hàng OCOP. Dự kiến, doanh số bán hàng OCOP sẽ đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2020; lợi nhuận đạt hơn 80 tỷ đồng.
Quảng bá sản phẩm OCOP bên lề Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn diễn ra ở Quảng Nam. Ảnh: CTT tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, qua 7 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh có 478 sản phẩm của 376 chủ thể được công nhận OCOP. Có có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang trình trung ương xem xét công nhận, 60 sản phẩm 4 sao, 418 sản phẩm 3 sao.
Hướng phát triển OCOP ở Quảng Nam là ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị; hỗ trợ phát triển các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO...
Tập trung phát triển OCOP theo hướng liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, liên kết phát triển OCOP gắn với du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống, thúc đẩy quảng bá sản phẩm OCOP qua các hoạt động du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch nông thôn.
Chú trọng quản lý chất lượng
Việc quản lý chất lượng sản phẩm OCOP đã và đang được thắt chặt. Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã thu hồi giấy chứng nhận sao OCOP đối với một số sản phẩm do không duy trì các tiêu chí quản lý, quy trình sản xuất. Các cơ sở, doanh nghiệp này đã không thực hiện liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu, không thực hiện quy trình sản xuất đã công bố, không duy trì các tiêu chí, hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Quảng Nam tập trung phát triển OCOP theo hướng liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Nam Trân
Theo ông Nguyễn Xuân Vũ, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP. Theo đó, Sở NN&PTNT Quảng Nam sẽ hỗ trợ các chủ thể xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, mang trí tuệ, bản sắc địa phương để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Ngành nông nghiệp Quảng Nam cũng sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá. Trong đó đặc biệt chú ý các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng) mà chưa được công nhận lại hoặc có sự thay đổi về mức đạt sao sau khi đánh giá, công nhận lại sản phẩm./.
Năm 2023, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Quảng Nam) bố trí gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP phục vụ khách mua sắm khi tham quan với gần 200 sản phẩm, chủ yếu hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề,… Gian hàng không chỉ là điểm tiêu thụ hàng hóa hiệu quả mà còn giúp quảng bá, giới thiệu nhiều sản phẩm bản địa đến du khách trong nước, quốc tế.
Năm 2024, thành phố Hội An (Quảng Nam) khai trương Trung tâm OCOP Hội An trong khu vực phố cổ với gần 100 nhóm sản phẩm, hàng lưu niệm,...
Tháng 12/2024, bên lề Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn diễn ra ở Quảng Nam có 40 gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của Quảng Nam,… được giới thiệu đến đại biểu, du khách quốc tế.
Nam Trân
Bình luận