Hotline: 0941068156
Thứ tư, 28/05/2025 02:05
Thứ hai, 26/05/2025 06:05
TMO - Tại Quảng Nam, mô hình liên kết sản xuất lúa giống giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đang mang lại hiệu quả rõ nét. Không chỉ giúp nâng cao thu nhập nhờ giá thu mua ổn định, nông dân còn được hỗ trợ kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Mô hình liên kết sản xuất lúa giống mang lại lợi ích kép cho người trồng lúa. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như trước, nông dân nay được tổ chức sản xuất theo vùng chuyên canh, áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ, bảo đảm chất lượng giống lúa đầu ra. Nhờ đó, thu nhập của nông dân được cải thiện đáng kể, đồng thời rủi ro về giá cả và đầu ra cũng được hạn chế.
Ngoài ra, mô hình còn góp phần nâng cao năng lực tổ chức sản xuất của hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý giống, điều tiết thời vụ và kiểm soát dịch bệnh trên đồng ruộng. Với sự đồng hành của chính quyền địa phương và doanh nghiệp, liên kết sản xuất lúa giống đang giúp nông dân Quảng Nam chuyển dần sang tư duy sản xuất hàng hóa, hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn. Vụ đông xuân năm 2025 một lần nữa khẳng định hiệu quả kinh tế trong liên kết sản xuất giống lúa theo phương thức hàng hóa của nông dân Quảng Nam.
Chia sẻ từ người dân ở xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn), vụ đông xuân 2024 - 2025, thông qua HTX Nông nghiệp Quế Xuân 1, người dân liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam sản xuất hạt giống lúa thuần Thiên ưu 8 với diện tích 6 sào, nhờ nguồn nước tưới chủ động, áp dụng bài bản quy trình thâm canh và phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm trên đồng ruộng nên vụ này hầu hết diện tích giống lúa thuần Thiên ưu 8 đều sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Sau khi phơi phóng, bình quân mỗi sào giống lúa thuần Thiên ưu 8 đạt năng suất 440kg khô.
Người dân cân bán toàn bộ sản phẩm cho đơn vị thu mua với mức giá 9.360 đồng/kg, quy ra mỗi sào hơn 4,1 triệu đồng. Trong khi đó, nếu gieo sạ lúa thường thì chỉ thu về khoảng 3 triệu đồng. Đại diện HTX Nông nghiệp Quế Xuân 1 cho biết, vụ đông xuân năm nay đơn vị liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam tổ chức cho 250 hộ nông dân trên địa bàn các thôn Trung Vĩnh, Xuân Phú, Dưỡng Mông sản xuất 50ha hạt giống lúa thuần Thiên ưu 8 theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm. Vụ này hầu hết mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần Thiên ưu 8 ở xã Quế Xuân 1 cho năng suất cao nên nhà nông rất phấn khởi.
Những ngày qua, HTX Nông nghiệp Quế Xuân 1 tiến hành thu mua sản phẩm của nông dân để cung ứng cho Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ. Vụ này, làm một sào hạt giống lúa thuần Thiên ưu 8 theo mô hình liên kết sản xuất, thu nhập của nông dân xã Quế Xuân 1 tăng thêm khoảng 800-900 nghìn đồng so với gieo sạ lúa thường.
(Ảnh minh hoạ).
Như vậy, với 50ha đất canh tác hạt giống lúa thuần Thiên ưu 8, đông xuân năm nay thu nhập của người dân địa phương tăng thêm 800-900 triệu đồng. Theo thông tin từ đại diện Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung & Tây Nguyên thông tin: Vụ đông xuân 2024 - 2025 công ty tiếp tục liên kết với 19 HTX nông nghiệp trên địa bàn 3 huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Phú Ninh tổ chức cho hơn 10.000 hộ nông dân sản xuất khoảng 1.400ha hạt giống lúa thuần các loại như TBR97, TBR225, TBR1, BC15…
Đến thời điểm này, công ty và các HTX đã cơ bản thu mua xong toàn bộ sản phẩm lúa giống của nông dân Quảng Nam với tổng sản lượng 6.800 tấn, quy ra giá trị đạt 68 tỷ đồng. Nếu so với gieo sạ lúa thường, vụ đông xuân này thu nhập của các hộ dân tham gia liên kết sản xuất các loại hạt giống lúa thuần với công ty sẽ tăng thêm khoảng 14 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Nam cho biết, tham gia mô hình liên kết, nếu sản xuất hạt giống lúa thuần thì thu nhập của nhà nông tăng thêm 25-30% so với gieo sạ lúa thường. Còn nếu liên kết sản xuất hạt giống lúa lai F1, thu nhập sẽ tăng gấp 4 lần.
Tại vụ đông xuân 2024 - 2025, thông qua các HTX nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh liên kết với 13 doanh nghiệp lớn có uy tín tổ chức sản xuất 2.913ha giống lúa hàng hóa theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm. Trong đó, có 2.626ha hạt giống lúa thuần và 287ha hạt giống lúa lai F1. Với số diện tích sản xuất nêu trên, dự tính các doanh nghiệp thu mua khoảng 13.678 tấn hạt giống các loại để cung ứng ra thị trường.
Mô hình liên kết sản xuất lúa giống tại Quảng Nam đang khẳng định hiệu quả thiết thực, giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra và tiếp cận tiến bộ kỹ thuật. Đây không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là hướng đi bền vững để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, lâu dài. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và sự đồng hành của doanh nghiệp, liên kết sản xuất tiếp tục là cơ hội giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.
Quang Hùng
Bình luận