Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 13:01
Thứ tư, 18/12/2024 10:12
TMO - Mới đây, tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã phát hiện loài cầy mực quý hiếm nằm trong sách đỏ động vật Việt Nam.
Cụ thể, thông tin từ Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong (Quảng Bình), lần đầu tiên phát hiện cá thể cầy mực quý hiếm (còn gọi là gấu chồn) trong lâm phần. Cá thể cầy mực này được bẫy ảnh ghi nhận khi đang di chuyển dưới mặt đất. Đây là cá thể cầy mực đầu tiên được ghi nhận ở Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong từ trước tới giờ.
Theo Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, cầy mực có hình thể và bộ lông khá giống loài gấu nên thường bị nhầm là gấu. Tên chi Arctitis (gấu - chồn) là sự kết hợp của arktos - gấu và iktis - chồn. Cầy mực có chiều dài cơ thể từ 60 - 95cm, đa số có bộ lông đen tuyền trừ phần mõm phớt trắng. Lông của cầy mực dài, thô và xù, đuôi dài, rậm lông, có gốc đuôi lớn và thon dần về phía mút đuôi.
Cầy mực có chiều dài cơ thể từ 60-90cm. (Ảnh minh hoạ).
Cầy mực trước đây có khá nhiều ở Việt Nam, nhưng hiện tại chỉ còn xuất hiện tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Lai Châu…Cầy mực là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo sách đỏ động vật Việt Nam.
Số liệu thống kê sơ bộ của Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong cho biết, hiện khu vực này là nơi cư trú của 76 loài thú, 214 loài chim và 671 loài bò sát… Trong đó có rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong có tổng diện tích hơn 22.210 hecta, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Quảng Bình, giáp với biên giới Việt - Lào. Đây là khu rừng nhiệt đới nguyên sinh với độ che phủ lên tới 98%, được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đánh giá là một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học toàn cầu.
Vân Anh
Bình luận