Hotline: 0941068156
Thứ ba, 29/04/2025 21:04
Thứ ba, 29/04/2025 12:04
TMO - Những năm trở lại đây, bệnh khảm lá sắn đã bùng phát gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng và chất lượng của cây sắn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Từ thực tế trên, địa phương này nhân rộng sản xuất giống sắn HN1 kháng bệnh khảm.
Hằng năm, nông dân tỉnh Quảng Bình trồng gần 8.000 ha sắn nguyên liệu, tập trung tại các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và Tuyên Hóa với giống sắn chủ yếu là KM94. Trong đó, huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích trồng sắn nguyên liệu lớn nhất với khoảng 4.500 ha. Nguồn thu từ trồng sắn đã giúp nhiều nông dân ở Quảng Bình ổn định cuộc sống. Sắn đã trở thành cây trồng chủ lực ở vùng đồi của tỉnh, ngày càng được mở rộng diện tích.
Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng sắn nguyên liệu ở Quảng Bình xuất hiện bệnh khảm lá sắn dẫn đến cây kém phát triển, ảnh hưởng đến năng suất. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình, năm 2024, toàn tỉnh trồng được hơn 7.300 ha sắn nguyên liệu với giống chủ lực KM94. Sản lượng thu được hơn 5.000 ha, năng suất bình quân đạt 16,5 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với niên vụ sắn năm 2023.
Vụ sắn năm trước, gia đình ông Nguyễn Đức Tiến ở xóm 1 Phương Hạ, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch đã đầu từ 90 triệu đồng trồng 3 ha sắn nguyên liệu giống KM94. Do bệnh khảm lá sắn nên tổng sản lượng chỉ đạt 30 tấn, với giá 17 nghìn đồng/kg, thu về trên 50 triệu đồng. Như vậy, chưa kể công chăm sóc, gia đình ông thua lỗ 40 triệu đồng.
Theo ông Tiến, triệu chứng của bệnh khảm lá sắn là lá xuất hiện các đốm vàng rồi xoăn tít ở lá và ngọn. Đa số người dân không nỡ nhổ bỏ hết mà để vậy cố chăm sóc, song cuối vụ năng suất sắn nguyên liệu rất thấp, chỉ thu được 50% sản lượng so với trước khi nhiễm bệnh; giá sắn mấy năm nay lại xuống thấp nên người trồng chủ yếu thua lỗ cả công lẫn vốn.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình cho biết, ba năm trở lại đây, diện tích trồng sắn nguyên liệu bị bệnh chiếm 80 - 90%. Nguyên nhân chính của bệnh khảm lá sắn là do người dân lấy giống sắn đã nhiễm bệnh từ ngoại tỉnh về trồng. Đặc biệt, bệnh khảm lá sắn lây lan nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng, bọ phấn trắng trưởng thành có khả năng bay và phổ gây hại rộng trên nhiều loại cây trồng khác.
Một số địa phương trên địa bàn tỉnh nhân rộng sản xuất giống sắn HN1 kháng bệnh khảm (Ảnh minh họa).
Trước tình hình trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình đã triển khai Đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn có khả năng kháng bệnh khảm lá, năng suất cao để phục vụ canh tác sắn bền vững tại tỉnh Quảng Bình”. Nhiệm vụ KH&CN đã tuyển chọn được một số giống sắn có năng suất, hàm lượng tinh bột cao và khả năng chống chịu bệnh khảm lá nhằm nâng cao hiệu quả cho người dân, hướng đến canh tác sắn bền vững tại tỉnh. Nghiên cứu được tiến hành tuyển chọn giống sắn tại 3 vùng sinh thái trồng sắn chủ lực ở các xã Tây Trạch, Phú Định (Bố Trạch) và Vĩnh Ninh (Quảng Ninh).
Thông qua khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu đã đánh giá các yếu tố quan trọng, như: Tình hình sản xuất, đặc điểm sinh trưởng, mật độ trồng, kỹ thuật canh tác của người dân địa phương... Kết quả cho thấy, cây sắn vẫn là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều cây trồng khác, với mật độ trồng phổ biến từ trên 15.000-18.000 cây/ha, thời vụ gieo trồng chủ yếu vào tháng 12 dương lịch, sử dụng phân bón tổng hợp NPK theo đúng tỷ lệ.
Qua thực nghiệm theo đúng quy trình kỹ thuật mới về thời vụ, mật độ và chế độ bón phân, các giống sắn đều đáp ứng khả năng sinh trưởng tốt trên địa bàn tỉnh, thời gian sinh trưởng kéo dài từ 272-300 ngày, bảo đảm độ thuần đồng ruộng cao. Đặc biệt, giống sắn HN1 thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội, như: Đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình canh tác truyền thống; kháng bệnh khảm lá; năng suất củ tươi đạt 68 tấn/ha, hàm lượng tinh bột trên 25%, có khả năng chống chịu và giảm nguy cơ lây lan một số bệnh tốt hơn hẳn giống cũ hiện đang được sử dụng rộng rãi tại địa phương.
Tại huyện Bố Trạch, các địa phương vùng gò đồi trên địa bàn huyện Bố Trạch đưa vào thử nghiệm trồng giống sắn mới HN1 đã chứng minh được sức kháng bệnh khảm lá tốt hơn giống sắn cũ. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi diện tích sang giống sắn mới bảo đảm hiệu quả thì chi phí giống cao. Vì vậy, bà con trong vùng trồng sắn nguyên liệu mong nhận được sự hỗ trợ ban đầu để được ứng dụng KH&CN vào sản xuất sớm.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đề nghị và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá nặng sang trồng các giống cây khác với thời gian trồng chuyển đổi ít nhất là 1 năm; khoanh vùng các ruộng sắn chưa bị nhiễm bệnh để làm giống, bảo đảm vừa đủ về số lượng vừa đạt chất lượng hom giống sạch bệnh cho kế hoạch trồng sắn niên vụ năm 2025.
Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa các giống sắn được xác định có khả năng kháng bệnh khảm lá như HN1, HN5 về trồng thử nghiệm diện hẹp trên địa bàn, từ đó đánh giá, xác định giống phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, làm cơ sở để thay dần các giống đang bị nhiễm bệnh khảm lá sắn trong thời gian tới./.
Đức Trung
Bình luận