Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/07/2025 19:07
Thứ hai, 12/05/2025 13:05
TMO - Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi nhiều diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng phù hợp, cho giá trị kinh tế cao, bền vững…
Theo UBND huyện Minh Hóa, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở từng địa phương sẽ giảm chi phí, giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tăng thu nhập ổn định cho người dân.
Vì vậy, huyện luôn tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn đưa những cây, con có năng suất, chất lượng, phù hợp, hiệu quả vào sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa thị trường.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nhiều địa phương ở Minh Hóa cũng tập trung hướng dẫn, khuyến khích người dân đầu tư cải tạo vườn đồi, vườn tạp chuyển sang trồng chuyên canh các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thời tiết cũng như nhu cầu thị trường. Trong năm 2024, huyện Minh Hóa thực hiện gieo trồng trên 4.000ha, tổng sản lượng lương thực đạt 11.328 tấn, tổng đàn gia súc trên 34.000 con và tổng đàn gia cầm gần 145.000 con.
Đến nay, các vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện từng bước chuyển dịch gắn với công tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới theo hướng hữu cơ nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Điển hình như: Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa Hương Bình theo hướng hữu cơ tại xã Tân Hóa; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Lúa SV 181, HĐ9 và Ngô CP511 trên địa bàn xã Minh Hóa; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa PC6 trên địa bàn xã Yên Hóa; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngô CP511 và lạc L14 trên địa bàn xã Hóa Thanh; mô hình trồng chăm sóc bưởi da xanh theo hướng hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGaP tại xã Hóa Hợp; mô hình trồng đỗ tương, ớt mọi tại xã Thượng Hóa...
Tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, thị xã Ba Đồn triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, các địa phương, đơn vị đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nhất là các giống cây có dấu hiệu thoái hóa, dễ nhiễm sâu bệnh sang giống cây có năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh và thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Hiện các loại giống cây trồng trung, ngắn ngày được đưa vào sản xuất trên địa bàn chiếm trên 90%, giống xác nhận chiếm trên 96%, giống chất lượng cao chiếm trên 65%. Thị xã cũng đã phối hợp với các đơn vị sản xuất giống tiếp tục khảo nghiệm, thử nghiệm để lựa chọn chọn các bộ giống cho năng suất, chất lượng, như: Giống lúa TBR 225, ADI 168, Ha Na 07, QC03, HĐ9, Hưng Long 555, SV181; giống lạc đỏ 3 nhân; ngô lai PAC 339, PAC999...
Tại huyện Lệ Thủy, trên những ruộng sâu trũng, lúa thường bị ngã đổ, sản xuất kém hiệu quả, bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây sen kết hợp nuôi trồng thủy sản với diện tích là hơn 63ha, chiếm 72,6% tổng diện tích chuyển đổi. Thực tế sản xuất cho thấy, mô hình trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản (cá các loại) rất hiệu quả, mang lại thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận gấp 3-4 lần trồng lúa trước đây. Hiện, mô hình đang được nhân rộng ở nhiều xã, như: Liên Thủy, Xuân Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy, Dương Thủy, Mai Thủy, Sơn Thủy…
Bên cạnh đó, ở những chân ruộng cao, sản xuất lúa tái sinh hiệu quả thấp, một số địa phương đã chuyển sang trồng các cây trồng cạn, như: Ngô, lạc, dưa hấu vào vụ hè- thu hoặc chuyển sang trồng mía. Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế khá cao, như: Mô hình chuyển đổi sang trồng mía tại thôn Phú Xuân (xã Phú Thủy); mô hình trồng dưa hấu tại xã Lộc Thủy. Các mô hình bình quân 1ha thu nhập đạt từ 130-150 triệu đồng, lợi nhuận gấp 2-3 lần trồng lúa.
Các địa phương quy hoạch vùng sản xuất, lựa chọn các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao.
Thực hiện định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Quảng Ninh đã tập trung đưa các loại cây ăn quả, hoa, rau màu, cây dược liệu... vào trồng thay thế gần 60ha đối với đất lúa và đất vùng gò đồi đạt hiệu quả kinh tế thấp. Việc chuyển đổi này đã giúp nhiều địa phương trên địa bàn huyện hình thành và nhân rộng được nhiều mô hình trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2025 huyện tiếp tục thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước, đất lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng khác, như: Ngô, đậu các loại, dưa hấu, mướp đắng, dưa leo trên diện tích 60ha; chuyển đổi vùng gò đồi sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu trên diện tích 20ha.
Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi cây trồng, huyện Quảng Ninh sẽ tập trung quy hoạch vùng sản xuất; đẩy mạnh huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật giúp các hộ dân triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lựa chọn các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng để áp dụng vào sản xuất; liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Bình, năm 2025 là năm cuối tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng như kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 5 năm 2021-2025.
Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, sở sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục giữ vững, ổn định sản xuất trồng trọt. Phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, nghiên cứu các loại giống cây trồng có tiềm năng cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích nghi tốt với điều kiện thời tiết; đồng thời, có khả năng tích hợp trong hệ thống sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa.
Phát triển chăn nuôi cần tiếp tục thực hiện tốt việc cải tạo, nâng cao chất lượng đàn giống vật nuôi, đồng thời áp dụng các quy trình công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi nông hộ theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu.../.
Trần Hưng
Bình luận