Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ hai, 12/12/2022 12:12
TMO - Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, tỉnh Hà Giang chú trọng đầu tư hệ thống cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn, nâng cao tỷ lệ tiếp cận nước sạch tại khu vực này. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành các công trình trên còn nhiều hạn chế, đòi hỏi các địa phương tập trung khắc phục.
Từ năm 2016, tỉnh Hà Giang triển khai chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, đến nay chương trình đã đầu tư xây dựng 45 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, chủ yếu tại các địa bàn khó khăn, thiếu nước sinh hoạt. Nước sau khi được xử lý qua hệ thống lọc của công trình sẽ đạt tiêu chuẩn nước sạch theo quy định của Bộ Y tế. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 745.368 dân cư nông thôn, trong đó có 657.405 người được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 88,2%.
Việc khai thác hiệu quả các công trình cấp nước đã đưa tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90,7%. Ảnh: B.Luận
Trong năm 2022, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (Sở NN&PTNT) đã thực hiện kiểm đếm bền vững 24 công trình; kết quả có 4.880 đấu nối bền vững, nâng mức tổng số đấu nối bền vững các công trình lên 6.411 đấu nối, đạt 137% kế hoạch; phân tích, xét nghiệm chất lượng nước cho 45 công trình. Đồng thời, làm việc với các huyện có công trình được đầu tư về công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt sau đầu tư; phối hợp với đoàn công tác hỗ trợ thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” về đánh giá kết quả và tính bền vững các công trình cấp nước và vệ sinh sau khi được đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao tỷ lệ tiếp cận, sử dụng nước sạch nông thôn cho người dân tại các địa phương. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND về sửa chữa các công trình hồ chứa nước sinh hoạt 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc; Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt.
Ngoài ra, dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc – Tiểu dự án tỉnh Hà Giang; nguồn vốn theo Kế hoạch Đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 cho cấp NSH nông thôn theo Nghị Quyết 20 của HĐND tỉnh; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và các chương trình, dự án thực hiện cùng nhiệm vụ giai đoạn 2020 – 2025 cũng đã được triển khai. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90,7%.
Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, người dân đã được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Ảnh: BHG
Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh, một số công trình cấp nước sinh hoạt sau khi bàn giao, đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều hạn chế và không phát huy hiệu quả, tình trạng bỏ hoang, hư hỏng, thiếu nguồn nước dẫn đến một số hộ dân chưa được tiếp cận, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, gây lãng phí đầu tư. Để khắc phục những bất cập này, UBND tỉnh yêu cầu các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình cấp nước trong và sau đầu tư; các địa phương rà soát, bố trí nguồn ngân sách theo phân cấp để nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục đầu tư để triển khai thi công, đảm bảo tiến độ thi công dự án theo quy định; nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát cộng đồng trong quá trình dự án triển khai xây dựng.
Theo Sở NN&PTNT Hà Giang, mục tiêu toàn tỉnh đến năm 2025 sẽ đưa tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%. Trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn để thực hiện trên 133 tỷ đồng, trong đó trên 4,8 tỷ đồng đầu tư cho các dự án cấp nước nông thôn theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (4 công trình). Ở phần còn lại, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” của giai đoạn tới cần 128,5 tỷ đồng cho 51 công trình.
Minh Luân
Bình luận