Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ năm, 01/09/2022 11:09
TMO - Nhằm giữ vững cảnh quan thiên nhiên với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, trong những năm qua UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị tận dụng tối đa nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ như: Quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; Tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường...
Vườn quốc gia Hoàng Liên được thành lập năm 2022 theo Quyết định số 90/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có diện tích hơn 28.000ha với độ cao từ 1.000 đến 3.000m so với mặt nước biển, nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc địa bàn thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) và huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu).
Với sự đa dạng về động, thực vật, Vườn quốc gia Hoàng Liên được chọn là Trung tâm đa dạng sinh học của các loài thực vật trong Chương trình bảo tồn các loài thực vật của Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN). Vườn quốc gia Hoàng Liên cũng được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Vừa qua, tại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh cho biết, trong những năm qua Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ với mục tiêu cao nhất và xuyên suốt là quản lý rừng bền vững, bảo vệ những giá trị quan trọng nhất về đa dạng sinh học mà cả nước và thế giới kỳ vọng.
Diện tích rừng rộng lớn tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng á nhiệt đới núi cao, VQG Hoàng Liên sở hữu hệ động thực vật đa dạng, đặc hữu
Trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã thực hiện và hợp tác với các tổ chức, nhà khoa học trong nước và quốc tế nhiều chương trình nghiên cứu khoa học, thu thập hàng vạn mẫu tiêu bản động vật, thực vật phục vụ nghiên cứu.
Đến nay, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã xác lập danh lục 2.847 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 150 loài nguy cấp, quý, hiếm (như vân sam Fansipan, thiết sam), gần 800 loài có giá trị dược liệu (như sâm vũ diệp, Hoàng Liên chân gà), khẳng định sự đa dạng các loài hoa lan (172 loài), hoa đỗ quyên (30 loài).
Thống kê được 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có 60 loài nguy cấp, quý, hiếm (phát hiện, công bố gần 20 loài mới cho khoa học, trong đó phải kể đến 2 loài lưỡng cư Leptolalax và Oreolalax cực kỳ nguy cấp, nằm trong Sách Đỏ thế giới).
Vừa qua (ngày 30/8) Vườn Quốc gia Hoàng Liên phối hợp với Hiệp hội Động vật học London và Bảo tàng Quốc gia Úc tổ chức Hội thảo bảo tồn lưỡng cư tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2021 - 2022 trong khuôn khổ Dự án ASAP và kế hoạch hành động đến năm 2027.
Vườn quốc gia Hoàng Liên được đánh giá có hệ lưỡng cư đa dạng bậc nhất Việt Nam, số loài lưỡng cư tại đây chiếm khoảng 50% tổng số loài lưỡng cư tại Việt Nam. Theo báo cáo kết quả bảo tồn lưỡng cư tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2017 - 2022, các nhà nghiên cứu đã tiến hành 12 đợt nghiên cứu thực địa (các chuyên gia quốc tế tham dự 3 đợt) tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và các vùng lân cận.
Hệ động thực vật phong phú tại VQG Hoàng Liên cần được tăng cường bảo tồn
Kết quả, đã ghi nhận 49 loài tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát; đã cập nhật một danh lục gồm 88 loài cho khu hệ lưỡng cư ở Vườn quốc gia Hoàng Liên; mô tả 5 loài mới cho khoa học; ghi nhận 5 loài mới cho Vườn quốc gia Hoàng Liên và nhiều loài được ghi nhận ở những vùng phân bố/độ cao mới từ kết quả thực địa chưa được công bố chính thức trong các báo cáo khoa học…
Vườn Quốc gia Hoàng Liên đề xuất chương trình hợp tác quốc tế về bảo tồn các loài lưỡng cư tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và khu vực lân cận giai đoạn 2023 - 2027 với các nội dung: Thực hiện các biện pháp nâng cao mức độ bảo vệ các loài lưỡng cư; tổng hợp, bổ sung thông tin các loài đã tìm thấy ở Vườn quốc gia Hoàng Liên và các khu vực lân cận.
Đồng thời, xây dựng phương pháp nghiên cứu dài hạn và tìm hiểu về sự đa dạng lưỡng cư; tăng cường mối liên hệ giữa Vườn quốc gia Hoàng Liên với các khu vực bảo vệ khác trên dãy Hoàng Liên; gắn kết các dự án lưỡng cư với các dự án về bò sát; tập trung vào mối liên hệ tích cực giữa khách du lịch và đa dạng sinh học…
Công tác quản lý, bảo vệ rừng, Vườn quốc gia Hoàng Liên vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, không khai thác các loại sinh vật rừng trái phép, không lấn chiếm đất rừng, chăn thả gia súc trong rừng; khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán đạt trên 2.000 ha; quản lý, bảo vệ tốt diện tích 28.498 ha rừng đặc dụng hiện được giao (trên địa bàn hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu).
Vườn quốc gia Hoàng Liên có tổng diện tích hơn 28.000ha. Sống trong và chung quanh rừng có hơn 2.000 hộ gia đình, với hơn 12.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số như: H’Mông, Thái, Dao, Tày, Giáy, Khơ Mú… nên sự hiểu biết và nhận thức về công tác bảo tồn đa dạng sinh học còn hạn chế. Đồng thời, các khu vực này đều là vùng đặc biệt khó khăn, người dân có tập quán sống phụ thuộc vào rừng, sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên của rừng mang lại.
Ổn định sinh kế cho người dân sống quanh khu vực rừng là nhiệm vụ trọng tâm được VQG Hoàng Liên triển khai. Ảnh: Thúy Phượng
Do đó, nhằm tăng cường bảo vệ diện tích rừng tại khu vực đồng thời tạo sinh kế và gắn người dân vào việc quản lý rừng, Vườn quốc gia đã triển khai công tác giao khoán bảo vệ rừng đến từng hộ gia đình, thôn, bản bằng nguồn kinh phí từ các dự án, kinh phí từ tỉnh Lào Cai và nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng..
Ngoài ra, Vườn đã triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch sinh thái dưới các hình thức liên doanh, liên kết; cho thuê môi trường rừng, đa dạng các loại hình du lịch, tổ chức các tour, tuyến du lịch sinh thái trải nghiệm; tiếp nhận, cứu hộ các loài động, thực vật hoang dã, nuôi phục hồi chức năng và thực hiện tái thả động vật hoang dã về môi trường sống tự nhiên. Mặt khác, nuôi, trồng bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý hiếm, loài đặc hữu của Vườn; nghiên cứu, nhân giống các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp cảnh quan, cây dược liệu cung cấp thương mại cho các địa phương, đơn vị có nhu cầu…
Nhấn mạnh đến những nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo VQG Hoàng Liên cần tăng cường phối hợp với các đơn vị khoa học, tổ chức quốc tế, các chương trình dự án để tận dụng tối đa nguồn lực về kỹ thuật, tài chính, triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát triển các loài động thực vật quý, hiếm, nguy cấp cần được bảo vệ tại Vườn.
Ngoài ra, cần nghiên cứu phát triển các mô hình sinh kế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực vùng lõi, góp phần bảo vệ, phát triển rừng Vườn Quốc gia Hoàng Liên bền vững và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.
Mai Nguyễn
Bình luận