Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ ba, 22/11/2022 13:11
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh, việc thiết lập mã số vùng trồng là điều kiện quan trọng nhằm xây dựng uy tín về chất lượng nông sản, tạo thuận lợi cho quá trình tiêu thụ đặc biệt là tại các thị trường quốc tế.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã công bố yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ; trong đó, có trái bưởi tươi của Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 4 vùng trồng bưởi da xanh đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trái bưởi tươi sang thị trường Mỹ.
Toàn tỉnh hiện có 1.163 ha bưởi, sản lượng ước đạt 4.500 tấn/năm, tập trung tại thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức. Cơ cấu giống tại các vùng sản xuất tập trung chủ yếu là bưởi da xanh. Trong năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tổ chức sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ… Do vậy chất lượng và mẫu mã quả bưởi của Bà Rịa - Vũng Tàu đã được cải thiện rõ rệt, có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của những thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU…
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại các vùng sản xuất bưởi tập trung có đủ điều kiện xuất khẩu để mở rộng thiết lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng. Ảnh: Phúc Hiếu
Theo kế hoạch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại các vùng sản xuất bưởi tập trung có đủ điều kiện xuất khẩu để mở rộng thiết lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng. Cập nhật thông tin đầy đủ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; tập huấn cho người dân, bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu quy định.
Cùng đó, chỉ đạo đơn vị chuyên môn thực hiện tốt công tác giám sát sinh vật gây hại và hướng dẫn phòng trừ sinh vật gây hại tại vùng trồng bưởi bảo đảm các yêu cầu về kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm; giám sát chặt chẽ việc ghi chép sổ nhật ký sản xuất (bón phân, dùng thuốc bảo vệ thực vật dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,…). Đặc biệt, thúc đẩy thiết lập và quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu cho sản phẩm bưởi da xanh trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát triển mở rộng vùng nguyên liệu an toàn, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục thực hiện công tác thiết lập, quản lý và đề nghị cấp mã số vùng trồng đối với sầu riêng, thanh long. Đồng thời mở rộng diện tích đề nghị cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.
Đối với mã số vùng trồng thanh long trên địa bàn huyện Xuyên Mộc hiện đang lập hồ sơ đăng ký cấp 4 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 57ha, ước sản lượng khoảng 1.630 tấn/năm, sản lượng ước xuất khẩu 1.427 tấn/năm. Vùng sản xuất thanh long hiện nay đang sản xuất theo chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP. Đối với mã số vùng trồng sầu riêng tại huyện Châu Đức, hiện đang giai đoạn hoàn thiện hồ sơ và đăng ký cấp 6 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 80ha, sản lượng ước tính 600 tấn/năm, sản lượng ước xuất khẩu 500 tấn/năm.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng thanh long trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.
Trước đó, tháng 7/2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 7946/UBND-VP về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đã được cấp mã số. Trong đó, xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc có 3 mã số vùng trồng với diện tích 420,9ha, gồm vùng trồng nhãn 13,9ha, sản lượng ước đạt 291,9 tấn/năm; vùng trồng chuối 407,12ha, sản lượng ước 16.280 tấn chuối/năm, hiện đang xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.
Đối với thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ, Úc: Có 02 mã vùng trồng nhãn với diện tích 24 ha, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, sản lượng ước đạt 502,1 tấn/năm. Thị trường xuất khẩu EU: Có 03 mã vùng trồng bưởi với diện tích 50 ha, trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, sản lượng ước đạt 1.000 tấn/năm. Hiện trên địa bàn tỉnh hiện nay có 02 mã số cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu với diện tích 5.167 m2 đóng trên địa bàn hai huyện Xuyên Mộc và Châu Đức, để xuất chuối đi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ngoài những loại cây đã được cấp mã số vùng trồng và các cơ sở đóng gói phục vụ hoạt động xuất khẩu được cấp mã số cơ sở đóng gói, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang xem xét mở rộng diện tích và nâng vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng nhiều hơn, tạo cơ sở chính thống cho các mặt hàng nông sản của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, thúc đẩy hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng gắn với các đơn vị xuất khẩu, quản lý ngăn chặn tình trạng đưa nông sản từ ngoài vùng trồng vào chuỗi sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Hoàng Hiền
Bình luận