Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ bảy, 08/07/2023 06:07
TMO - Mã số vùng trồng là “hộ chiếu” giúp nông sản Việt Nam xuất khẩu theo đường chính ngạch. Yêu cầu này đòi hỏi ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, để có giải pháp giám sát, chấn chỉnh phù hợp.
Lâm Đồng có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Ngoài điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu giúp Lâm Đồng hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn với nhiều chủng loại sản phẩm phong phú, đa dạng từ đó tạo ra vùng nguyên liệu lớn. Hàng năm, toàn tỉnh Lâm Đồng sản xuất khoảng 2,7 triệu tấn rau, hơn 3 tỷ cành hoa, trên 500 nghìn tấn cà phê, 175 nghìn tấn chè búp tươi, hơn 180 nghìn tấn trái cây và nhiều loại nông sản khác.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Lâm Đồng có nhiều thuận lợi để phát triển cây ăn quả. Ngoài lợi thế thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu, đất đai để sản xuất các loại quả có giá trị cao như sầu riêng, chanh dây, hồng Đà Lạt, chuối Laba, bơ… Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, diện tích cây ăn quả đang tăng dần qua các năm.
Đến năm 2022, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 32.223,6 ha, tăng 2.871,7 ha so với năm 2021; sản lượng đạt 306.604 tấn, tăng 70.657 tấn so với năm 2021. Một số cây ăn quả chủ lực tăng rõ như: cây sầu riêng 17.931,4 ha; cây bơ 8.587 ha; hồng ăn trái 1.579,9 ha; chuối 1.326,6 ha... Trong đó, có 98,8 ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP và 4,5 ha được chứng nhận hữu cơ. Các vùng sản xuất nông sản tập trung, đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành hành nông nghiệp tốt là điều kiện để Lâm Đồng mở rộng diện tích sản xuất được cấp mã số vùng trồng, gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc một cơ sở đóng gói nhằm theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và phục vụ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cây trồng. Việc xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói với mục tiêu hướng tới các sản phẩm an toàn, chất lượng không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn phục vụ thị trường trong nước.
Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhiều trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BLĐ.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, toàn tỉnh tính đến nay đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 35 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói cơ sở đóng gói nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó gồm 33 mã số vùng trồng sầu riêng diện tích 2.135,2 ha với 683 hộ sản xuất, đạt sản lượng 75.001,3 tấn/năm, và 2 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích 111 ha.
Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có 29 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đại diện cho mã vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 3.395 ha và 2 hồ sơ về cơ sở đóng gói đã được Cục Bảo vệ thực vật thẩm định, đang chờ Tổng Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Đầu tháng 6/2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã hoàn thành công tác kiểm tra trực tuyến 47 vùng trồng sầu riêng của 23 tổ chức, cá nhân trên địa bàn 6 huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và TP Bảo Lộc với tổng diện tích hơn 1.913 ha
Thời gian qua, các mặt hàng nông sản có lợi thế của tỉnh Lâm Đồng như sầu riêng, chanh dây, khoai lang, ... được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp sơ chế, đóng gói, chế biến nông sản (sầu riêng, chanh dây, khoai lang, ớt,...) xuất khẩu trực tiếp cho nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia,...
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa bố trí nguồn lực trong công tác thiết lập mã vùng trồng, cơ sở đóng gói. Một số doanh nghiệp, HTX, THT người dân và cả một số cán bộ kỹ thuật ở các địa phương (huyện, xã, phường, thị trấn) chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã đóng gói nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều vùng trồng có diện tích sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất không tập trung (còn trồng xen các cây trồng khác trong vườn trồng chính) ảnh hưởng đến quá trình khảo sát, đánh giá để thiết lập mã.
Nhiều cơ sở đóng gói có quy trình đóng gói không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu: không đủ thiết bị, thiếu bước tring quy trình (rửa lần 2 đối với sản phẩm, xử lý phế phụ phẩm, ...); không đóng gói theo nguyên tắc một chiều, chưa có phân khu riêng, không có khu vực kiểm tra trước khi xuất hàng. Nhiều vùng trồng chưa nhận diện và xử lý sinh vật gây hại, đặc biệt là các đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV); chưa áp dụng đúng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại; chưa áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), không thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), không có bể chứa bao bì, …
Ngành chức năng tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nông sản tại các vùng trồng được cấp mã số.
Để quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng sản phẩm tại các vùng đã được cấp mã số vùng trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các doanh nghiệp HTX, THT và cơ sở đóng gói: Khi phát hiện các đối tượng KDTV tại vùng trồng và cơ sở đóng gói, báo cáo ngay cho Chi cục Trồng trọt và BVTV để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục. Cơ sở đóng gói phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hoa trước khi xuất khẩu.
Đồng thời kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức, cá nhân để nhập nhật ký điện tử cho các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Đồng thời tổ chức lớp tập huấn về công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng đối với ngọn giống, hạt giống rau hoa các loại phục vụ xuất khẩu.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện; Phòng kinh tế thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc: Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để tổ chức tập huấn cho nông dân về quy trình thiết lập, cấp mã số vùng trồng đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Tính đến hết tháng 5/2023, cả nước có gần 6.500 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Đồng thời, có 25 sản phẩm được cấp mã số xuất khẩu như: Thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, khoai lang, sầu riêng… tập trung ở các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia... Việc thiết lập vùng trồng để cấp mã số sẽ bao gồm xác định diện tích, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng, kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước, có nhật ký canh tác, thực hành nông nghiệp tốt, tối thiểu là theo quy trình VietGAP.
Nhằm nâng cao hoạt động quản lý mã số vùng trồng, Bộ NN&PTNT cho biết, cùng với việc thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ vùng trồng đến đóng gói, xuất khẩu, Bộ đang tiếp tục phối hợp với địa phương triển khai hiệu quả việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch. Cùng với đó, tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan có trách nhiệm của nước nhập khẩu nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, giảm thiểu rủi ro cho nông sản xuất khẩu.
Về phía doanh nghiệp, hợp tác xã cần có nhận thức đúng về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín, thương hiệu trên thị trường. Từ đó chủ động liên kết với vùng trồng, bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, không để tình trạng mạo danh mã số cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến việc sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm.
Thùy Minh
Bình luận