Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 19:11
Thứ ba, 31/01/2023 15:01
TMO - Bình Phước là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, trong đó hàng nghìn ha đất trồng cây sầu riêng. Việc triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý mã số vùng trồng sầu riêng góp phần nâng cao giá trị của mặt hàng nông sản chủ lực này trên địa bàn tỉnh, qua đó hướng tới mục tiêu gia tăng kim ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước cho biết hiện nay, trên địa bàn có hơn 3.000ha sầu riêng; trong đó gần 2.000ha sầu riêng trưởng thành đang cho thu hoạch với sản lượng gần 2.000 tấn trái/năm. Bình Phước đang định hướng phát triển diện tích trồng sầu riêng lên 8.000-10.000ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Vừa qua, Trung Quốc cấp 5 mã vùng số trồng sầu riêng cho các nhà vườn ở Bình Phước (mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản). Ngoài ra, có 11 đơn vị khác đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký trong đợt đánh giá sắp tới để cấp mã vùng trồng đối với cây sầu riêng.
Liên quan đến việc quản lý mã số vùng trồng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng theo quy định và chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19-8-2022 và Công văn số 6234/BNN-TT ngày 20-9-2022; hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý mã số vùng trồng và sử dụng mã số vùng trồng của các tổ chức, cá nhân đúng quy định.
Hằng năm, xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí để thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn; thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quản lý mã số vùng trồng; rà soát, cập nhập cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng và tổng hợp báo cáo kết quả về Bộ NN&PTNT đúng quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp. Ảnh: PH
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Nông nghiệp/Phòng Kinh tế là cơ quan đầu mối, chủ trì thực hiện công tác thiết lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng và thực hiện công tác quản lý, sử dụng mã số vùng trồng ở địa phương đảm bảo đúng quy định. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về mã số vùng trồng và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.
Hằng năm xây dựng kế hoạch, dự trù và bố trí kinh phí xây dựng và quản lý mã số vùng trồng tại địa phương theo quy định. Báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và đề xuất các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương về Sở NN&PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT xem xét, giải quyết.
Định hướng phát triển của Bình Phước sẽ phát triển khoảng 10% diện tích sầu riêng so với cả nước, theo đó, hiện nay địa phương có khoảng 3.400 ha, thời gian tới phát triển khoảng 7.000-10.000 ha. Để đảm bảo việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất song song đó, sẽ hỗ trợ về kỹ thuật để làm sao người trồng sầu riêng địa phương sẽ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất và xây dựng vùng chuyên canh lớn để phục vụ cho xuất khẩu.
Hiện nay, bà con canh tác sầu riêng tại tỉnh đã hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sầu riêng. Tỉnh có khoảng 70 tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ trồng sầu riêng. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ trồng sầu riêng sản xuất theo hướng liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và canh tác theo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo cho chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
Tỉnh Bình Phước đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch; xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp công nghệ cao lợi thế về cạnh tranh cây ăn trái nói chung trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc việc xây dựng vùng nguyên liệu, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết bền vững, các hợp tác xã, công ty đã chủ động trong việc xây dựng cơ sở công nghệ cấp đông sầu riêng để đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, Bình Phước hiện đang triển khai áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cơ giới hóa, sử dụng công nghệ số vào sản xuất, trong đó, có nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong phun, xịt trong canh tác, bảo quản sầu riêng sau thu hoạch.
Hồng Diệp
Bình luận