Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 07:11
Thứ bảy, 20/08/2022 06:08
TMO - Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa có công văn yêu cầu tăng cường công tác quản lý quy hoạch và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn. Theo đó, địa phương này sẽ không giải quyết việc gia hạn, cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông Vu Gia, Thu Bồn ở các huyện, thị xã: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với các Phòng chuyên môn liên quan tổ chức rà soát các điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi, đất sét) đã được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn.
Đồng thời, chủ động khảo sát, xác định cụ thể vị trí tọa độ, diện tích, sơ bộ trữ lượng các điểm mỏ khoáng sản mới để lập thủ tục đề xuất điều chỉnh hoặc loại bỏ các điểm mỏ khoáng sản không còn phù hợp và bổ sung các điểm mỏ khoáng sản mới vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030.
UBND tỉnh Quảng Nam siết chặt quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông Vũ Gia- Thu Bồn
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu cát, sỏi phục vụ thi công xây dựng các công trình trên địa bàn, thống nhất cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở nhu cầu vật liệu cần đáp ứng, tổ chức rà soát lại các điểm mỏ cát, sỏi có trong quy hoạch được phê duyệt; lựa chọn các điểm mỏ có quy mô diện tích đủ lớn, đảm bảo không ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông, công trình hạ tầng kỹ thuật và đất ở, đất sản xuất của Nhân dân.
Trong thời gian chờ Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, năm 2022-2023 căn cứ nhu cầu thực tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn những điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường có điều kiện khai thác thuận lợi, phục vụ cho nhu cầu trên địa bàn tỉnh, ưu tiên đề xuất bổ sung ngay vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt để tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản và lập hồ sơ, thủ tục trình cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Các đơn vị Chủ đầu tư, tư vấn các dự án có nhu cầu vật liệu (đất, đá, cát, sỏi) trên địa bàn phải xác định khối lượng, chất lượng vật liệu cần thiết ngay từ bước khảo sát, lập hồ sơ dự án và chủ động phối hợp với các Phòng chuyên môn của các huyện, thị xã, thành phố khảo sát, lựa chọn các điểm mỏ phù hợp để lập hồ sơ, thủ tục khai thác khoáng sản hoặc đề xuất bổ sung quy hoạch, kịp thời triển khai thực hiện.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ không giải quyết việc gia hạn, cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông Vu Gia, Thu Bồn đối với các giấy phép đã được cấp trên địa bàn các huyện, thị xã: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và giao cho địa phương rà soát lại, có thể gộp các điểm mỏ nhỏ, gần nhau thành 1 mỏ có quy mô lớn để đề xuất tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản công khai, minh bạch; lập hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định, đảm bảo ổn định trật tự khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Đối với việc khai thác cát, sỏi với quy mô nhỏ ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các huyện miền núi chỉ để phục vụ xây dựng nông thôn mới, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tham mưu hướng dẫn quy trình, thủ tục rút gọn, rút ngắn thời gian giải quyết để đáp ứng kịp thời nhu cầu trên địa bàn. Trường hợp cần thiết thì xin ý kiến của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam để tham mưu giải quyết, đảm bảo quy định của pháp luật.
Tỉnh Quảng Nam sẽ không giải quyết việc gia hạn, cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông Vu Gia, Thu Bồn đối với một số địa phương. Ảnh: Thế Phong
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu cát, sỏi phục vụ thi công xây dựng các công trình trên địa bàn, thống nhất cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở nhu cầu vật liệu cần đáp ứng, tổ chức rà soát lại các điểm mỏ cát, sỏi có trong quy hoạch được phê duyệt. Cơ quan chức năng, lựa chọn các điểm mỏ có quy mô diện tích đủ lớn, đảm bảo không ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông, công trình hạ tầng kỹ thuật và đất ở, đất sản xuất của Nhân dân.
Từ đó, tổ chức họp, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trong vùng đồng thuận, ủng hộ thực hiện và thống nhất việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương có khoáng sản được khai thác; báo cáo đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và lập thủ tục trình cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng quy định.
Trong hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản, phải nêu đầy đủ các nội dung yêu cầu để tổ chức lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và của UBND tỉnh trong quá trình hoạt động khoáng sản.
Việc đề xuất nạo vét đất, cát bồi lấp các Trạm bơm cung cấp nước tưới phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và thu hồi sản phẩm nạo vét để bù đắp chi phí, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành liên quan phải kiểm tra thật kỹ, đảm bảo đúng thực tế, không để lợi dụng thực hiện việc khai thác cát, sỏi lòng sông không đúng với quy định của pháp luật.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, từ ngày 30/3/2021 đến nay, tất cả các bến thuỷ nội địa đều đã lặp đặt trạm cân tải trọng xe, hệ thống camera giám sát. Các phương tiện xe ra vào bến vận chuyển hàng hóa không chỉ chở đúng kích thước thùng hàng, mà còn được giám sát tải trọng. Đây là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, quản lý tình hình hoạt động các bến thuỷ nội địa trong thời gian qua.
Để nâng cao công tác quản lý khai thác khoáng sản, ngày 6/7/2022, Sở GTVT Quảng Nam vừa có văn bản cung cấp thông tin quản lý hoạt động các bến thủy nội địa phục vụ tập kết cát sỏi, gửi đến các cơ quan, địa phương. Trên cơ sở những thông tin này, với trách nhiệm quản lý của mình, các cơ quan, địa phương thực hiện công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Hải Long
Bình luận