Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 16:11
Thứ tư, 13/04/2022 18:04
TMO - Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại đồng bằng sông Cửu Long là do hoạt động khai thác cát. Vì vậy, công tác quản lý nhằm khai thác bền vững trong xây dựng cần được các địa phương tại khu vực này chú trọng.
Thông tin từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết, ngân hàng cát (là khoảng chênh lệch giữa khối lượng cát sông được vận chuyển về từ thượng nguồn với lượng cát khai thác trên toàn đồng bằng, cũng như lượng cát đổ ra biển) của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn và dự đoán sẽ còn tăng trong các năm tới.
Hoạt động khai thác cát trên các lưu vực sông tại đồng bằng sông Cửu Long đã tác động làm thay đổi hình dạng, địa chất khu vực này
Việc khai thác cát trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng đã làm vùng đồng bằng này thay đổi hình dạng. Cát được khai thác trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: xói mòn các nhánh sông, xói lở bờ tiếp tục gia tăng, ĐBSCL thay đổi hình dạng.
Theo Tổ chức WWF, hiện nay có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác 28 triệu tấn cát sông mỗi năm. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế rất khó để kiểm soát, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên.
Việc khai thác cát trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là làm xói mòn các nhánh sông, sạt lở bờ gia tăng (khoảng 500 ha/năm). Hiện tại toàn khu vực ĐBSCL có đến 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài sạt lở khoảng 610km, trong đó có 147 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, dài 127km; nguy hiểm 137 điểm, dài 193km.
Trước vấn nạn khai thác cát sông không bền vững gây ra hậu quả nghiêm trọng lớn cho khu vực ĐBSCL và ảnh hưởng đến sinh kế cho người dân, trong năm năm (2019 - 2023), Tổ chức WWF đã triển khai dự án “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng, chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở ĐBSCL”, gọi tắt là Dự án quản lý Khai thác cát bền vững.
Tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn
Theo đó mục đích dự án hướng đến là xây dựng ngân hàng cát cho khu vực ĐBSCL; tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL.
Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng; xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng, chống thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL.
Cùng với việc triển khai dự án Khai thác cát bền vững, theo các chuyên gia việc tìm kiếm một vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng sẽ giảm thiểu được khối lượng khai thác cát trên các lưu vực sông tại đồng bằng sông Cửu Long. Điều này, góp phần làm ổn định hình thái sông ngòi, giảm nguy cơ sụt lún, xói lở do khai thác cát quá mức.
Nước ta có nguồn đá xây dựng với trữ lượng lớn - vài chục tỉ mét khối, nhiều nơi đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền, phục vụ nhu cầu địa phương và cung cấp cho địa phương khác. Cát nghiền được sử dụng để sản xuất vữa bê-tông, gạch bê-tông, gạch lát vỉa hẻ, sân bãi… Tùy theo mục đích sử dụng, cát nghiền có thể thay thế 100% hoặc thay thế một phần cát tự nhiên. Nếu tăng cường sử dụng vật liệu thay thế này thì sẽ giảm khai thác cát, giảm tác động tới sạt lở, sụt lún bờ sông.
Hoạt động khai thác cát tại đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra những tác động lớn đến địa hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người dân. Tình trạng xói lở bờ sông tại khu vực này được cảnh báo sẽ gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, vấn đề quản lý khai thác cát bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian này là hết sức quan trọng, để hạn chế những thiệt hại do hiện tượng trên gây ra.
Minh Phương
Bình luận