Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 02/02/2025 22:02
Thứ hai, 13/05/2024 08:05
TMO - Hơn 560 người phải nhập viện điều trị trong vụ ngộ độc bánh mì ở thành phố Long Khánh (Đồng Nai), tình trạng gia súc, gia cầm không nguồn gốc được bày bán công khai... Trước thực trạng này, đòi hỏi ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cần triển khai đồng bộ các giải pháp chất lượng nông sản để đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Tăng cường Giám sát, kiểm định sản phẩm nông-lâm-thủy sản
Tại Hội nghị Tổng kết công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP), chế biến và phát triển thị trường nông – lâm – thủy sản năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 được tổ chức vào trung tuần tháng 5/2024, ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc phụ trách, điều hành Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, ngành NN&PTNT đã có sự đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh, chiếm 9,33% trong tổng GRDP toàn tỉnh.
Năm 2023, Sở NN&PTNT Đồng Nai đã cấp 775 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), hơn 24,6 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản ký cam kết đảm bảo ATTP. Công tác giám sát chất lượng, ATTP sản phẩm nông-lâm-thủy sản được thực hiện định kỳ hàng năm. Năm 2023, tổng số mẫu đã giám sát là 962 mẫu, trong đó có 651 mẫu sản phẩm có nguồn gốc thực vật, 288 mẫu sản phẩm gia súc-gia cầm, và 23 mẫu sản phẩm thủy sản.
Đến nay, Đồng Nai thực hiện được 50 chuỗi kiểm soát thực phẩm an toàn với 331 điểm bày bán, giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Kết quả kiểm nghiệm phát hiện 9/651 (chiếm 1,38%) mẫu sản phẩm thực vật vượt giới hạn cho phép về thuốc bảo vệ thực vật. Trong năm, thẩm định và xác nhận 2 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Lũy kế, toàn tỉnh thực hiện được 50 chuỗi kiểm soát thực phẩm an toàn với 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn, giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh có gần 2.800ha cây trồng đạt chứng nhận VietGAP, về chăn nuôi có 126 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGap. Hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu có nhiều khởi sắc, nổi bật nhất là sự kiện xuất khẩu chuối và sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, dự tính giá trị xuất khẩu của 2 sản phẩm này đạt gần 5.000 tỷ đồng.
Nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai xác nhận ở Đồng Nai vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ, chế biến không phép. Đồng Nai có tổng đàn 2,1 triệu con gia súc, hơn 25,7 triệu con gia cầm. Nhưng cho đến nay, số lượng đưa vào giết mổ công nghiệp nhằm đảm bảo ATTP vẫn còn rất ít, với khoảng 2.200 con lợn, 40.000 con gà, và 200 con bò/ngày đêm.
Tại huyện Vĩnh Cửu, ông Nguyễn Trần Phước Lộc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Công tác kiểm soát mua bán thịt ở chợ và lòng lề đường tại địa phương vẫn chưa hiệu quả. Người bán không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chứng nhận ATTP. Nhiều người lấn chiếm lòng lề đường để bán thực phẩm nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chứng nhận an toàn thực phẩm. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, có nhắc nhở, họ dẹp vào trong. Nhưng khi đoàn rời đi, họ đưa hàng ra bán tiếp.
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Mỹ cũng cho biết, trên địa bàn huyện chưa có nhà máy giết mổ gà, vịt. Nhiều hộ dân bán gà, vịt sống không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hay chứng nhận tiêm phòng. Rau củ quả nhiễm độc, nhiễm thuốc bảo vệ thực vật cũng là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ ghi nhận từ thực tế: Rau củ quả trước khi bán phải cách ly ít nhất 7 ngày, nhưng khi kiểm tra đột xuất, cơ quan chức năng phát hiện nhiều hộ dân phun xịt phân-thuốc đêm hôm trước, sáng hôm sau đem bán. Tại huyện Thống Nhất, việc người dân trồng rau, tối phun xịt, sáng đem đi bán là có, mặc dù cơ quan chức năng địa phương đã có tuyên truyền vận động...
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, chất lượng, an toàn thực phẩm có cải thiện nhưng chưa bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Đồng Nai chưa có nhiều nhãn hiệu, thương hiệu nông sản uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Thắng nhận định năm 2023 mặc dù chưa xảy ra sự cố lớn, nhưng nỗi lo mất vệ sinh ATTP vẫn tác động lớn đến đời sống người dân. Tuy nhiên, sang đầu tháng 5/2024 đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.
Nạn nhân trong một vụ ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai đang được chữa trị tại bệnh viện.
Cụ thể, ngày 30/4, cửa hàng bánh mì Cô Băng (phường Xuân Bình, TP.Long Khánh) bán ra 1.100 ổ bánh mì. Sang ngày 1/5 đã có hàng trăm người phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn…. Tính đến nay đã có gần hơn 560 người phải nhập viện cấp cứu từ vụ ngộ độc này. Bác sĩ Trịnh Bửu Lễ -Giám đốc Trung tâm y tế TP.Long Khánh cung cấp thông tin: Toàn thành phố hiện có 132 cơ sở kinh doanh bánh mì thì chỉ khoảng 20% cơ sở có giấy phép kinh doanh, còn lại không có giấy phép kinh doanh. Trước đó, vào tháng 6/2021, trên địa bàn cũng đã xảy ra 1 vụ ngộ độc bánh mì với khoảng 250 người phải nhập viện.
Siết chặt quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Năm 2024, ngành NN&PTNT Đồng Nai đề ra mục tiêu tiếp tục tăng cường các chương trình giám sát ATTP giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, khắc phục và xử lý nghiêm túc các vi phạm. Phổ biến rào cản kỹ thuật ATTP của các thị trường xuất khẩu. Gia tăng số lượng, quy mô sản xuất an toàn, bền vững, nhất là nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho trong nước và xuất khẩu.
Ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc phụ trách, điều hành Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, ngành NN&PTNT xác định các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024 gồm: Gia tăng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản đạt 3-3,5% (trồng trọt tăng 2-2,5%, chăn nuôi tăng 4,5-5%, thủy sản tăng 4,5-5%, lâm nghiệp tăng 2-2,5%).
Năm 2024, tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung tại Đồng Nai phấn đấu đạt 20%.
100% các huyện/thành phố bố trí nhân sự quản lý chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường nông-lâm-thủy sản phù hợp với phân công. Trên 85% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường nông-lâm-thủy sản các cấp được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP đạt 99,1%. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông-lâm-thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10% (so với năm 2023). Tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung đạt 20%.
Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 84,5%, trong đó tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 51%. Toàn tỉnh hấn đấu có ít nhất 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 huyện hoàn thành NTM nâng cao, 23 khu dân cư kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu theo nghị quyết được giao. Ổn định tỷ lệ che rừng 28,3%, duy trì tỷ lệ che phủ cây xanh 52%.
Phước Vinh
Bình luận