Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ hai, 06/02/2023 11:02
TMO - Nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, khoáng sản trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, UBND tỉnh Bình Định tăng cường công tác chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Định cho biết, trong năm 2022 Sở TN&MT Bình Định đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất 167 dự án phục vụ kịp thời cho phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh; Tham mưu trình UBND tỉnh giao đất 62 trường hợp (diện tích 1509,9 ha); Cho thuê đất 94 trường hợp (diện tích 341,49 ha); Thu hồi đất 07 trường hợp (diện tích 2.85ha); Gia hạn thuê đất 14 trường hợp (diện tích 60,78 ha); Giao đất khu dân cư 79 trường hợp (diện tích 122,75 ha); Thẩm định 122 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trình UBND tỉnh phê duyệt, với tổng kinh phí phê duyệt gần 472,5 tỷđồng...
Đồng thời, toàn tỉnh đã thực hiện cấp mới, cấp đổi 2.684 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức; Phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với các trường hợp trúng đấu giá, tái định cư 7.951 giấy chứng nhận, cấp đổi, cấp lại 72.899 giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân; đăng ký giao dịch bảo đảm cho 60.532 giấy chứng nhận (tổ chức: 5.839, hộ gia đình, cá nhân: 54.693)...
Quản lý tài nguyên khoáng sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành TN&MT triển khai trong thời gian tới.
Về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, năm 2022, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh cấp 69 giấy phép khoáng sản, 03 quyết định liên quan công tác quản lý khoáng sản, cấp 09 giấy phép khai thác đất san lấp có lồng ghép phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền phải nộp hơn 4,2 tỷ đồng. Đến nay, có 153 giấy phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng còn hiệu lực; trong đó có 61 mỏ đá xây dựng, 02 mỏ cát làm khuôn đúc, 01 mỏ cát nhiễm mặn; 41 mỏ cát sỏi lòng sông, 47 mỏ đất san lấp...
Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định nhấn mạnh tới phương hướng: Phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực triển khai thực hiện 08 nhiệm vụ, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực TN&MT theo sửa đổi của Trung ương, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực TN&MT; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết cơ bản các điểm nóng phát sinh về khiếu nại, tố cáo; Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ; Chú trọng công tác quản lý đất đai; đo đạc và bản đồ, quản lý tài nguyên khoáng sản.
Đối với công tác quản lý đất đai; đo đạc và bản đồ, Sở TN&MT tỉnh sẽ tiếp tục tham gia các Tổ công tác của UBND tỉnh đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn đi qua tỉnh Bình Định; thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 các huyện, thị xã, thành phố; trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 các huyện, thị xã, thành phố...
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Bình Định đẩy mạnh quản lý, thanh, kiểm tra hoạt động khai thác đất đai tại các địa phương. Ảnh: Đ.Phùng
Về công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, Sở TN&MT tỉnh sẽ tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện kết nối liên thông cơ sở dữ liệu về đất đai với cơ quan thuế, nâng cao chất lượng và mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao và công tác giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.
Nhằm thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, mục tiêu trên, Sở TN&MT Bình Định đã đề ra một số giải pháp, trong đó có 08 giải pháp trọng tâm, như: Tiếp tục nêu cao trách nhiệm và tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu và trách nhiệm tập thể của tập thể lãnh đạo Sở trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực của ngành TN&MT nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cấp huyện, xã; Tiếp tục thực hiện việc đổi mới phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc gắn với cải cách hành chính.
Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy chế làm việc của Sở TN&MT và của tập thể lãnh đạo nhằm điều hành có hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tế của ngành và địa phương; Chú trọng, quyết liệt chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định, nhanh chóng, hiệu quả, công khai, minh bạch, kịp thời khi giải quyết hồ sơ cho tổ chức và công dân đi đôi với nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thông tin hành chính của Sở TN&MT tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và tại Bộ phận một cửa của cấp huyện; Tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch chuyển đổi số....
Năm 2023, ngành TN&MT Bình Định cần tăng cường quản lý đất đai, tập trung quản lý có hiệu quả tài nguyên đất đai, chống lãng phí, thất thoát, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, không để xảy ra trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai; Đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục các thủ tục hành chính, thực hiện đánh giá trách nhiệm những cơ quan, tổ chức, cá nhân gây chậm trễ, đặt thêm thủ tục, báo cáo đề xuất UBND tỉnh để có biện pháp xử lý thích đáng; Tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản...
V. Hiền
Bình luận