Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 13/04/2025 08:04
Thứ năm, 10/04/2025 14:04
TMO - Chủ sở hữu, đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện có trách nhiệm lập, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án ứng phó tình huống khẩn cấp và tổ chức thực hiện phương án sau khi được phê duyệt.
Nghị định 62/2025/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực) quy định về phương án ứng phó tình huống khẩn cấp trong vận hành công trình thủy điện.
Căn cứ Điều 34 Nghị định trên, nội dung phương án ứng phó tình huống khẩn cấp bao gồm: Kịch bản vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập; Bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập: Bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập được xây dựng và công bố và bàn giao cho chủ sở hữu công trình thủy điện theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Tại các khu vực chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và công bố bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, Chủ đầu tư công trình thủy điện có trách nhiệm khảo sát, tính toán, để xác định phạm vi vùng hạ du đập bị ảnh hưởng và mức độ ngập lụt vùng hạ du đập khi hồ chứa xả nước theo quy trình, xả lũ trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập phục vụ việc xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp;
Các tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập; dự kiến và kế hoạch ứng phó; Thống kê các đối tượng bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng theo các kịch bản; Quy định về chế độ, phương thức thông tin, cảnh báo, báo động đến chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, phòng chống thiên tai và người dân khu vực bị ảnh hưởng; Kế hoạch ứng phó phù hợp với từng tình huống lũ, ngập lụt ở vùng hạ du công trình; Nguồn lực tổ chức thực hiện phương án; Trách nhiệm của chủ sở hữu, đơn vị quản lý công trình thủy điện, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt phương án ứng phó tình huống khẩn cấp: Chủ sở hữu công trình thủy điện nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 5 Điều này; chịu trách nhiệm về tính pháp lý, độ tin cậy, chính xác của các tài liệu sử dụng trong hồ sơ phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Hồ sơ bao gồm: Tờ trình đề nghị phê duyệt (bản chính). Dự thảo phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo mẫu phương án tại phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này (bản dự thảo đóng dấu giáp lai); Báo cáo kết quả tính toán kỹ thuật (bản sao y); Văn bản góp ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan (bản sao y); Các tài liệu liên quan khác kèm theo (bản sao y).
(Ảnh minh họa).
Thẩm quyền phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đối với công trình thủy điện trên địa bàn 01 tỉnh. Trường hợp công trình thủy điện thuộc địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ra lệnh vận hành hồ chứa có trách nhiệm chủ trì phê duyệt phương án ứng phó tình huống khẩn cấp sau khi lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân cấp Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với công trình thủy điện trên địa bàn 01 huyện.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp: Sở Công Thương tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án ứng phó tình huống khẩn cấp công trình thủy điện trên địa bàn 01 huyện, thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm giao cơ quan chuyên môn thuộc phạm vi quản lý là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ cho chủ sở hữu công trình và thông báo bằng văn bản lý do trả hồ sơ;
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định phương án. Trường hợp đủ điều kiện thì trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt; trường hợp không đủ điều kiện phê duyệt, cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu công trình để hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định; Cơ quan thẩm quyền phê duyệt có trách nhiệm phê duyệt phương án ứng phó tình huống khẩn cấp trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ trình phê duyệt của cơ quan thẩm định.
Trong quá trình thẩm định, cơ quan thẩm định có trách nhiệm như sau: Đối với phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan thẩm định lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về phòng chống thiên tai, tài nguyên nước, thủy lợi cấp tỉnh ở hạ du, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở hạ du có liên quan và các tổ chức khác có liên quan;
Đối với phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan thẩm định lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về thủy điện, phòng chống thiên tai, tài nguyên nước của tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác có liên quan; Các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án ứng phó tình huống khẩn cấp.
Trường hợp phương án ứng phó tình huống khẩn cấp sau 5 năm thực hiện còn phù hợp, không có nội dung điều chỉnh, bổ sung thì chủ sở hữu công trình thủy điện có trách nhiệm báo cáo cơ quan thẩm quyền phê duyệt phương án ứng phó tình huống khẩn cấp cho phép tiếp tục được sử dụng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp. Cơ quan thẩm quyền xem xét quyết định việc cho phép tiếp tục sử dụng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đã được cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc yêu cầu chủ sở hữu trình phê duyệt điều chỉnh phương án ứng phó tình huống khẩn cấp theo khoản 8 Điều này./.
Lê Mai
Bình luận