Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ năm, 22/02/2024 11:02
TMO - Thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường, cùng với sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, độ ẩm lớn… những nguyên nhân gây ra các bệnh thường gặp trong mùa Xuân, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Cuối mùa Đông đầu mùa Xuân là thời điểm xảy ra nhiều bệnh lý, nguyên nhân chính là do nhiệt độ chênh lệch, mưa nhiều, thời tiết nồm, độ ẩm không khí cao từ 80-90% nên tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển nhanh chóng, làm tăng nguy cơ gây bệnh cho con người.
Bệnh thường gặp vào mùa Xuân
Các loại bệnh này lại rất dễ lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa nên dễ bùng phát thành dịch bệnh mùa xuân. Hiện nay ở Việt Nam trong khoảng tháng 1-tháng 3 thường có những loại dịch bệnh như Sởi – Rubella , Thuỷ đậu, cúm, viêm phổi, viêm mũi dị ứng, dị ứng thời tiết, viêm kết mạc mùa xuân…
Sởi: Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do virus Polynosa morbillorum gây ra. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu xảy ra vào mùa Đông Xuân.
Rubella: Bệnh do virus Rubella gây ra. Bệnh Rubella thường phát triển mạnh vào cuối mùa Đông đầu mùa Xuân. Con đường lây truyền qua đường hô hấp khi người lành tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh. Giai đoạn dễ lây nhiễm bệnh Rubella nhất là từ 7 ngày trước đến 7 ngày sau khi phát ban đỏ.
Thuỷ đậu: Đây là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra. Cơ thể mắc bệnh do lây lan qua đường hô hấp khi hít phải những giọt nước từ dịch ho hay nước mũi của người bệnh. Hoặc lây do tiếp xúc với mụn nước, sự tiếp xúc quần áo, vải trải giường của người bệnh.
Triệu chứng nổi lên các nốt tròn nhỏ, ngứa, tiến triển trong vòng 12-24h thành mụn nước, bọng nước. Các nốt này sẽ mọc rải rác toàn thân. Sau đó, các nốt này khô đi trở thành vảy và khỏi sau 5 đến 7 ngày. Thường thủy đậu lành tính, nhưng nếu không cẩn thận có thể gây nhiễm trùng để lại sẹo và các biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, viêm phổi...
Cúm: Khi chuyển giao mùa Đông Xuân là lúc chúng ta cần phải phòng tránh bệnh cúm. Cúm ác tính có thể gây nên những tổn thương phổi rất nhanh chóng, có thể dẫn tới tử vong.
Viêm phổi: Người bị viêm phổi thường có các triệu chứng như: sốt cao, ho, thở nhanh, khó thở… Khi xuất hiện các triệu chứng này, cần tới ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh, tránh trường hợp tự ý mua thuốc uống và điều trị không có sự hướng dẫn từ y bác sĩ.
Bệnh viêm mũi dị ứng là bệnh lý thường gặp.
Viêm mũi dị ứng, dị ứng thời tiết: Vào mùa Xuân, không khí lạnh, ẩm ướt, mưa phùn… cùng rất nhiều loại phấn hoa phát tán trong không khí chính là thời điểm gây nhiều khó chịu cho người có cơ địa dị ứng. Khi vô tình hít phải, phấn hoa gây ngứa mũi, hắt xì hơi liên tục, chảy nước mũi, nghẹt mũi khó chịu.
Viêm kết mạc: Đây là một bệnh dị ứng ở mắt, thường gặp ở tuổi thành niên. Bệnh thường xuất hiện vào mùa Xuân. Các triệu chứng thường gặp là đỏ cả hai mắt, chảy nước mắt, ngứa mắt, sợ ánh sáng, đặc biệt bệnh thường xuyên tái phát vào mùa Xuân. Khi bị bệnh, tránh dụi mắt, có thể nhỏ các thuốc rửa mắt, hoặc nước mắt nhân tạo.
Cách phòng ngừa dịch bệnh trong mùa Xuân
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế, chống lại dịch bệnh khởi phát trong mùa Xuân, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân cần chú ý bảo vệ sức khoẻ, tăng sức đề kháng và tránh nhiễm bệnh với các phương pháp như tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng chống từng bệnh theo đúng mùa. Với các đối tượng nhỏ tuổi có sức đề kháng kém như trẻ em, người có bệnh nền sẵn…cần bồi bổ sức khoẻ để tăng đề kháng.
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết giao mùa, tránh tiếp xúc với người bệnh đang có dấu hiệu mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.
Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.
Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.
Thực hiện nghiêm túc vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường xung quanh như: Sử dụng nước sạch trong ăn uống, sinh hoạt, ăn chín, uống sôi; không làm nhiễm bẩn nguồn nước đặc biệt từ nước thải gia đình, nước thải công nhiệp… góp phần chăm sóc bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thu Uyên
Bình luận