Hotline: 0941068156
Thứ tư, 11/09/2024 21:09
Thứ sáu, 24/11/2023 13:11
TMO - Triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nguồn nước với hoạt động chế biến nông sản, UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các địa phương các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát với các cơ sở.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La, qua rà soát tại các huyện, thành phố, niên vụ năm nay, sản lượng cà phê trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 32.000 tấn cà phê nhân; sản lượng mía ước đạt gần 700.000 tấn; sản lượng sắn ước đạt trên 530.000 tấn; sản lượng dong giềng hơn 34.000 tấn. Toàn tỉnh có 1.648 cơ sở chế biến nông sản, trong đó, 6 cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung cà phê và tinh bột sắn.
Chủ động phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với hoạt động chế biến nông sản, kiên quyết khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1998/QĐ-UBND, thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản niên vụ 2023 - 2024.
Theo đó, Tổ công tác đã thành lập 3 Đoàn giám sát, trong đó, Đoàn số 1 giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung; Đoàn số 2 giám sát với 1 cơ sở chế biến tinh bột sắn và 1 cơ sở mía đường; Đoàn số 3 giám sát 1 cơ sở chế biến tinh bột sắn. Các đoàn giám sát đã tổ chức giám sát, đánh giá hiện trạng các công trình xử lý chất thải, nước thải, việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, đảm bảo các cơ sở hoạt động đúng quy định. Hoạt động giám sát được thực hiện định kỳ và đột xuất từ tháng 9/2023 đến hết tháng 5/2024.
Ngành chức năng các địa phương tăng cường xử lý các nguồn thải hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường trong chế biến nông sản. Ảnh: NN.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ động rà soát, phân loại các cơ sở đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường theo 3 loại: Cơ sở đảm bảo điều kiện hoạt động; cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm; cơ sở có vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, để tổ chức kiểm tra, hậu kiểm, kiểm soát ô nhiễm.Thực hiện giám sát, kiểm tra trực tiếp và trực tuyến qua hệ thống camera để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Tại huyện Mai Sơn, niên vụ 2023-2024 có 145 hộ đăng ký sơ chế cà phê quả tươi. Thông tin từ UBND huyện cho biết: Ngay từ đầu niên vụ, huyện tổ chức hội nghị ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường năm 2023; kiện toàn đoàn liên ngành; chỉ đạo UBND cấp xã ký cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động sơ chế nông sản đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quản lý. Huyện Thuận Châu hiện có 10 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến cà phê. Các cơ sở lắp đặt hệ thống camera giám sát kết nối về Phòng TN&MT huyện để theo dõi và có hệ thống bể chứa, thu gom và xử lý nước thải sản xuất theo quy định.
Tại huyện Sốp Cộp, các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê tươi hoạt động chủ yếu quy mô hộ gia đình. Công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước cơ bản được thực hiện nghiêm. Các cơ sở đã đào hố lót bạt để thu gom, xử lý nước thải từ quá trình sơ chế, chế biến cà phê. Bã, vỏ cà phê sau khi xát được thu gom phơi khô và vận chuyển lên nương rẫy của gia đình làm phân bón cho cây trồng. Không xảy ra hiện tượng tồn đọng nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cộng đồng, khu dân cư. Đối với hoạt động sơ chế, chế biến sắn tươi, các cơ sở tiến hành thu mua sắn tươi, thái lát, phơi khô và bán lại cho các thương lái. Quá trình thu mua, phơi khô sắn không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Các địa phương nhân rộng mô hình xử lý nước thải hiệu quả tại các cơ sở chế biến nông sản.
Tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước với hoạt động chế biến nông sản niên vụ 2023-2024, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã giao các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã thị trấn tăng cường quản lý, giám sát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm. UBND các xã, thị trấn tăng cường quản lý, đôn đốc, giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở chế biến nông sản không đảm bảo yêu cầu về môi trường. Đôn đốc, yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ lắp đặt camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn) và truyền dữ liệu hình ảnh về cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường để thực hiện theo dõi, giám sát.
Thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát với các cơ sở sản xuất chế biến. Trong đó, hoạt động kiểm tra các cơ sở chế biến nông sản được coi là bước chuẩn bị cho niên vụ cà-phê 2022-2023. Việc tăng cường giám sát là hoạt động thường xuyên, góp phần chung tay tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các cơ sở, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Với một số cơ sở nhỏ lẻ của hộ gia đình, tỉnh Sơn La cũng đã chỉ đạo các huyện, đặc biệt là huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở ký cam kết về bảo vệ môi trường; yêu cầu đóng cửa với cơ sở không bảo đảm về môi trường. Đồng thời, địa phương này cũng định hướng cho các huyện, thành phố về phương án có những cơ sở xử lý môi trường tập trung, thu gom các cơ sở nhỏ lẻ để xử lý bảo đảm môi trường bền vững.
Lê Hồng
Bình luận