Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ tư, 27/09/2023 15:09
TMO - Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa, chính quyền các địa phương và người dân đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng bệnh gắn với tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.
Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời điểm chuyển mùa, thời tiết thất thường là nguyên nhân có thể làm xuất hiện và lây lan nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh vào đầu mùa mưa, như cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, dịch lở mồm long móng... vẫn có nguy cơ phát sinh cao.
Từ đầu năm 2023 đến ngày 17/8/2023, cả nước đã xảy ra 15 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại 09 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 29.212 con gia cầm; 249 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 38 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 9.694 con lợn; 77 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục tại 11 tỉnh với tổng số 379 con trâu, bò mắc bệnh; 19 ổ dịch bệnh Lở mồm long móng tại 09 tỉnh làm 618 con gia súc mắc bệnh; 05 ổ dịch Nhiệt thán tại 03 tỉnh làm 32 con gia súc mắc bệnh và bị tiêu hủy.
Kết quả giám sát chủ động cũng cho thấy các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và ở quần thể gia súc, gia cầm. Trong những tháng cuối năm, nguy cơ dịch bệnh động vật nguy hiểm tiếp tục xảy ra ở phạm vi rộng là rất cao. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan; đồng thời để ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật sang người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2023, từ ngày 15/9 - 15/10/2023.
Trong đó, UBND cấp tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành của địa phương và UBND các cấp triển khai thực hiện; bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. Chính quyền cấp xã tổ chức các đội tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật,..; việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch,...
Các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm,... chủ động bố trí kinh phí tổ chức thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở và khu vực xung quanh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y. Chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý.
Cơ quan kiểm dịch động vật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu tham mưu cho Ban quản lý cửa khẩu tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu. Tăng cường khử trùng, tiêu độc, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh - đó là những khuyến cáo của ngành chức năng đối với người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, nhất là trong thời điểm giao mùa.
Các địa phương đẩy mạnh việc khử trùng chuồng trại, ngăn ngừa nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh tại khu vực chăn nuôi.
Nhiều địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp trên. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Tuyên Quang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ phát sinh bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở 5 xã huyện Lâm Bình và Chiêm Hóa, làm 299 con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy. Từ những số liệu trên có thể thấy, các loại dịch bệnh đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, dịch tả lợn Châu Phi chỉ còn xảy ra rải rác ở một số địa phương, thiệt hại giảm nhiều lần so với năm trước. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát dịch bệnh, mầm bệnh vẫn còn tồn tại lưu hành trong quần thể đàn vật nuôi và môi trường nên khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển và gây bệnh cho vật nuôi. Do đó, Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương nỗ lực, quyết tâm triển khai tích cực công tác tiêm phòng vụ thu đông cho đàn vật nuôi.
Theo kế hoạch, đợt tiêm phòng đợt 2 năm 2023 được triển khai đồng loạt tại các địa phương từ 15/9 đến 15/10. Trong thời gian tiêm đại trà, Chi cục đã chủ động cung ứng và cấp phát vắc xin bệnh Lở mồm long móng hỗ trợ của tỉnh cho các địa phương; đối với các xã có nguy cơ cao về bệnh Cúm gia cầm, hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm; đối với các thôn đặc biệt khó khăn, hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh Viêm da nổi cục. bệnh Tụ huyết trùng trâu, bò, lợn, bệnh Dịch tả lợn, bệnh Niu cát sơn, bệnh Dịch tả vịt. Lượng vắc xin đã được tiếp nhận, bảo quản tại kho và sẽ cấp phát đầy đủ cho các tuyến cơ sở theo đúng tiến độ tiêm phòng, đảm bảo đủ số lượng và chủng loại vắc xin. Phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 80% diện phải tiêm.
Tại tỉnh Sơn La, trong 8 tháng của năm 2023 dịch tả lợn châu Phi phát sinh, tái dịch ở 17 lượt tổ, bản của 14 xã, phường tại 6 huyện, thành phố, với 664 con lợn mắc bệnh và tiêu hủy. Đến nay, còn 2 xã chưa qua 21 ngày để công bố hết dịch, không có ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi mới. Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ gia đình về biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nâng đề kháng cho đàn lợn; yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch không để lây lan.
Toàn tỉnh đang có khoảng 7,7 triệu con gia súc, gia cầm. Bám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La tham mưu cho ngành và tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh. Đề nghị các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi, khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp UBND xã, phường, thị trấn chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, gây ảnh hưởng cho cộng đồng.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiêm 202.800 liều vắc xin tụ huyết trùng cho trâu bò; hơn 283.970 liều vắc xin lở mồm long móng; trên 34.000 liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi và trên 41.700 liều vắc xin viêm da nổi cục...Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La tiếp tục phối hợp với các địa phương thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổng hợp tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, bảo đảm phát hiện sớm. Chủ động kịp thời chỉ đạo, báo cáo, tham mưu các giải pháp chống dịch hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với đàn vật nuôi của người dân, đảm bảo thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh.
Các địa phương triển khai công tác tiêm vắc-xin đợt 2cho đàn gia súc, gia cầm, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nhất là trong thời điểm giao mùa. Ảnh: BSL.
Các địa phương trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai công tác tiêm vắc-xin đợt 2 năm 2023 cho đàn gia súc, gia cầm; phấn đấu hoàn thành trước 30/10 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo thông tin từ Cục Thú y, từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, nhiệt thán... nguy cơ dịch bệnh động vật nguy hiểm tiếp tục xảy ra ở phạm vi rộng là rất cao.
Hiện nay đang là giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột làm sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Bởi vậy, việc đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng các loại vắc - xin là giải pháp để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Thời gian tiêm phòng đợt 2 từ ngày 1/9 - 30/10. Hiện nay, các huyện Cẩm Xuyên và Đức Thọ đã nhận đủ vắc-xin đang tập trung tiêm phòng các loại vắc xin gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Các địa phương còn lại đang hoàn thành việc rà soát, thống kê tổng đàn đối với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ và chăn nuôi trang trại; rà soát tiêm phòng cho các đối tượng chưa được tiêm phòng trong đợt 1 và số lượng vắc-xin mới phát sinh trong đợt 2. Trên cơ sở đó, ngành chuyên môn sẽ phân bổ các loại vắc-xin về các địa phương để đảm bảo tiêm phòng gia súc, gia cầm theo kế hoạch và đạt hiệu quả cao nhất”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, đến nay, 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã bố trí hơn 15,865 tỷ đồng mua vắc xin, hóa chất để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Hiện các địa phương đã triển khai tiêm được 84.303 liều vắc xin lở mồm long móng; 12.025 liều vắc xin tụ huyết trùng; 50.195 liều vắc xin viêm da nổi cục; 39.110 liều vắc xin kép và dịch tả heo tiêm kèm kép; 13.120 liều vắc xin dại.
Cùng với đó, các địa phương cũng đã triển khai tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng 2 type O và A nguồn từ Trung ương hỗ trợ với số lượng 80.100 liều cấp cho 10 huyện, thị xã (các địa phương đã tiêm được 76.175 liều, đạt 95% kế hoạch). Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng các loại vắc xin để phòng bệnh cho đàn vật nuôi với hơn 12,6 triệu liều vắc-xin các loại.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan. Đồng thời, ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật sang người, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi nhất là trong thời điểm giao mùa, nhiều địa phương đẩy mạnh tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
Trong đó, đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, cần phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn và khơi thông cống rãnh. Đồng thời, tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần. Vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thức ăn… trước khi ra vào cơ sở.
Đối với hộ gia đình có chăn nuôi động vật, cần quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm bao gồm cả nơi chăn thả, thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn. Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần. Vệ sinh sạch sẽ phương tiện, dụng cụ vận chuyển sau mỗi lần vận chuyển. Đối với các cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm cần phải phát quang cây cỏ xung quanh và quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp trứng, thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy. Phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở...
Đức Hải
Bình luận