Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 03:01
Thứ sáu, 28/10/2022 14:10
TMO - Nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước trên lưu vực sông Ba đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên và Gia Lai tăng cường phối hợp trong vận hành, điều tiết nguồn nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, trên lưu vực sông Ba, đoạn qua địa phận Gia Lai có 9 công trình thủy lợi, thủy điện. Trong đó, 4 công trình vận hành tràn xả lũ có cửa van (thủy điện Ka Nak, An Khê, thủy lợi Ayun Hạ và Ia Mlah); 5 công trình thủy điện vận hành tràn tự do, khi mực nước vượt ngưỡng tràn nước sẽ tự đổ về hạ du không kiểm soát (Đak Srông, Đak Srông 2, Đak Srông 2A, Đak Srông 3A và Đak Srông 3B).
Tại Phú Yên, trên lưu vực sông Ba địa phương này có 3 hồ thủy điện gồm Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’năng. Trong đó, số liệu đo được cho thấy trong tổng lượng nước về hạ du sông Ba chỉ có 17% nguồn nước từ các sông, suối trên địa phận Phú Yên. Còn lại 83% nguồn nước xuất phát từ lưu vực ở thượng nguồn như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Chính vì vậy, việc dự báo sớm lưu lượng nước đổ về từ thượng nguồn sông Ba là cực kỳ quan trọng, giúp cho Phú Yên chủ động điều tiết lũ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng thời gian qua công tác phối hợp vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba còn nhiều tồn tại. Công tác phối hợp, thông tin và vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện giữa hai tỉnh Gia Lai, Phú Yên còn hạn chế, chưa thật sự đồng bộ, thống nhất. Trước tình hình trên hai ngành nông nghiệp Phú Yên và Gia Lai vừa ký kết quy chế phối hợp trong công tác vận hành điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba.
Ngành nông nghiệp hai tỉnh Phú Yên, Gia Lai tăng cường phối hợp trong khai thác, điều tiết nguồn nước
Theo đó, hai địa phương phối hợp chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện Ayun Hạ, An Khê, Ka Nak, Ia M’lá và Đăk Srông, Đăk Srông 2, Đăk Srông 2A, Đăk Srông 3A và Đăk Srông 3B, Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’Năng vận hành đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ; giảm lũ cho hạ du; xả lũ khẩn cấp cũng như bảo đảm thực hiện đúng quy trình theo Quyết định 878 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.
Về phối hợp vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du, hai tỉnh thống nhất không cho phép sử dụng phần dung tích hồ từ cao trình mực nước dâng bình thường đến cao trình mực nước lũ kiểm tra để điều tiết lũ khi các cửa van của công trình xả chưa mở hoàn toàn đối với các hồ Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng và Ka Nak (trừ các trường hợp bất thường quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 878).
Khi vận hành giảm lũ cho hạ du phải tuân thủ theo quy định về trình tự, đảm bảo không được gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở hạ du các hồ chứa. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ; mực nước tại các trạm thủy văn; mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo tiếp theo để vận hành, điều tiết hồ phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời, yêu cầu các chủ hồ đập thực hiện lệnh vận hành hồ của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; trường hợp xảy ra tình huống bất thường, chủ hồ phải báo cáo ngay với người ra lệnh vận hành theo quy định; khi thực hiện lệnh vận hành các cửa xả, chủ hồ phải thông báo ngay tới Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN, các cơ quan, đơn vị liên quan và các chủ hồ bậc dưới liền kề theo đúng quy trình được quy định, để chủ hồ, địa phương chủ động vận hành, điều tiết hồ kịp thời đảm bảo an toàn công trình và triển khai các phương án phòng-chống ngập lụt vùng hạ du được kịp thời hiệu quả. Hàng năm, Sở NN& PTNT 2 tỉnh thực hiện tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để kịp thời trao đổi, giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Quy chế.
Hồng Thắm
Bình luận