Hotline: 0941068156
Thứ tư, 15/01/2025 17:01
Thứ ba, 14/01/2025 06:01
TMO - Trong giai đoạn tới, TP. Hà Nội sẽ xây dựng vùng trồng khoai tây vụ Đông tập trung với quy mô lớn, đạt năng suất cao. Từ đó, từng bước mở rộng và khai thác hiệu quả diện tích trồng cây vụ Đông, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân và phát triển kinh tế địa phương tại 2 huyện Mê Linh và Sóc Sơn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND của HĐND Thành phố, đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Các huyện, xã, và hợp tác xã được hướng dẫn tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục và nguồn vốn.
Bên cạnh các chính sách của thành phố, các huyện cũng được khuyến khích xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng, giúp hợp tác xã và nông dân tiếp cận nguồn vốn, mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông, đặc biệt là khoai tây. Những nỗ lực này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực mà còn góp phần phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, bền vững.
Để phát triển diện tích khoai tây, TP. Hà Nội đã và đang tập trung phát triển vùng trồng khoai tây vụ Đông với quy mô lớn tại huyện Mê Linh và Sóc Sơn, ngay trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình trình diễn khoai tây giống mới năng suất chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vụ Đông.
Trong đó, có mô hình khoai tây giống mới Atlantic, quy mô 30ha (dùng cho chế biến) triển khai tại 2 huyện Mê Linh và Sóc Sơn. Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% lượng giống, 50% khối lượng vật tư, phân bón. Dưới sự kiểm tra, giám sát của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện và phòng Khuyến nông Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội). Tất cả các loại vật tư, phân bón hỗ trợ và đối ứng đều đảm bảo đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn chất lượng và đúng thời gian, đảm bảo kịp thời vụ. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh đánh giá, giống khoai tây Atlantic cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Dự kiến, năng suất khoảng 21 tấn/ha, tỷ lệ củ loại 1 chiếm 85 - 90%. Với giá bán như doanh nghiệp cam kết thu mua là 8.600 đồng/kg (loại 1), doanh thu từ 170 - 180 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lợi nhuận đạt hơn 80 triệu đồng/ha. Còn theo đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tại xã Tự Lập (huyện Mê Linh), việc trồng khoai tây trở nên đơn giản hơn, người dân chỉ việc đặt củ giống xuống vào đầu vụ rồi nhặt củ thương phẩm lên vào cuối vụ nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu (làm đất, lên luống, bón phân, thu hoạch, phun thuốc bằng máy bay không người lái).
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nhận định, so với cây ngô và đậu tương vụ Đông, giống khoai tây Atlantic cho hiệu quả kinh tế cao vượt trội hơn hẳn. Ngoài ra, giống khoai tây này còn có ưu điểm củ tròn, đồng đều, nhẵn bóng, hàm lượng chất khô cao, phù hợp sản xuất công nghiệp chế biến, dễ tiêu thụ.
Giống khoai tây Atlantic cho hiệu quả kinh tế cao vượt trội. (Ảnh minh hoạ: LĐ).
Bên cạnh đó, trồng khoai tây vụ Đông không chịu áp lực của thời vụ, tận dụng tối đa nguồn rơm rạ sau thu hoạch làm phân bón bổ sung nguồn hữu cơ cho đất, tạo độ tơi xốp cho khoai tây phát triển; cùng với phần thân, lá khoai tây sau thu hoạch củ sẽ trở thành lượng phân hữu cơ, bồi thêm dinh dưỡng cho đất trồng lúa vụ Xuân. Đáng chú ý, mô hình khoai tây giống Atlantic trồng tại điểm xã Tự Lập (huyện Mê Linh) được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ với giá từ 5.000 – 8.600 đồng/kg. Với sự liên kết sản xuất, tiêu thụ này đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, vơi nỗi lo “được mùa mất giá”. Với những hiệu quả đạt được, mô hình trồng khoai tây tập trung, năng suất cao sẽ tiếp tục được nhân rộng.
Đánh giá cao hiệu quả của mô hình, Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu Trung tâm Khuyến nông căn cứ vào kết quả, nghiên cứu, đề xuất Sở xem xét, bổ sung giống khoai tây Atlantic vào cơ cấu giống khoai tây của thành phố; tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình ở những năm tiếp theo.
Đối với 2 huyện Mê Linh và Sóc Sơn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, xã, hợp tác xã cần tăng cường công tác tuyên truyền về giống khoai tây mới này. Bên cạnh chính sách của thành phố, các huyện cần có cơ chế riêng để hỗ trợ, khuyến khích hợp tác xã, nông dân mở rộng diện tích trồng giống khoai tây Atlantic, góp phần giảm thiểu diện tích đồng ruộng bỏ hoang. Từ đó, từng bước mở rộng và khai thác hiệu quả diện tích trồng cây vụ Đông, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân và phát triển kinh tế địa phương.
Thông tin thêm về định hướng sản xuất, Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, những năm qua, việc triển khai trồng khoai tây vụ Đông, vụ Đông Xuân tại một số huyện trên địa bàn Hà Nội mang lại hiệu quả rõ rệt: tăng vụ, tăng diện tích gieo trồng, nâng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị hecta canh tác và giúp người nông dân nâng cao thu nhập.
Do đó, Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp và các đơn vị liên quan triển khai các mô hình trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó có khoai tây nhằm góp phần nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực đất nông nghiệp.
Để đón đầu xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND của HĐND TP để mở rộng diện tích trồng khoai tây tập trung cho năng suất cao.
Trong thời gian tới huyện Mê Linh và Sóc Sơn cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Thành công của mô hình là tiền đề để các địa phương mở rộng diện tích, nâng giá trị sản xuất trên một đơn vị hecta canh tác và giúp người nông dân nâng cao thu nhập.
Ngọc Hà
Bình luận