Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ bảy, 05/02/2022 07:02
TMO - Tỉnh Thanh Hóa lên kế hoạch, lộ trình cụ thể xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản giai đoạn 2021-2025. Nhiều hàng nông sản có thương hiệu đã được người tiêu dùng đón nhận.
Theo kế hoạch đến năm 2025, Thanh Hóa phấn đấu có ít nhất 4 sản phẩm lúa gạo, 13 sản phẩm rau, quả, 1 sản phẩm mía đường, 1 sản phẩm ngô, 2 sản phẩm thịt lợn, 1 sản phẩm thịt bò, 1 sản phẩm tôm và 3 sản phẩm chế biến từ hải sản khai thác xa bờ và ngao nuôi được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 - 4 sao; 1 sản phẩm được công nhận về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có thêm nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP
Để thực hiện lộ trình xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản, thời gian qua, Sở NG&PTNT tỉnh Thanh Hóa đề xuất các nhiệm vụ duy trì, phát triển, quảng bá sản phẩm đã có thương hiệu. Trên cơ sở điều tra, khảo sát về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm, ngành nông nghiệp Thanh Hóa có những đánh giá về thuận lợi và khó khăn của từng sản phẩm.
Nhiều dự án khoa học - công nghệ phù hợp cho từng sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới, công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm đã có thương hiệu cũng được triển khai. Ngoài việc cho ra đời những mặt hàng nông sản chất lượng, Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến việc quản lý, kiểm soát chất lượng nông sản. Các sản phẩm trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ được kiểm soát chặt chẽ trước khi đến với người tiêu dùng.
Điểm nổi bật trong công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản của Thanh Hóa trong thời gian qua là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác... Đây là những đầu mối tổ chức sản xuất, thu mua nông sản và duy trì, nâng cao chất lượng, xây dựng nhãn hiệu.
Tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử
Nhiều nông sản của Thanh Hóa trong thời gian qua đã được quảng bá trên các chuyên trang, website thương hiệu nông sản để người tiêu dùng biết đến và lựa chọn. Hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp được tỉnh Thanh Hóa quan tâm và khuyến khích, tạo điều kiện.
Để tiếp tục phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, ngành nông nghiệp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân đổi mới, nâng cao quy trình sản xuất gắn với xây dựng sản phẩm OCOP.
Việc hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa được các cấp ngành tại Thanh Hóa coi trọng. Những sản phẩm đã được đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP cấp tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa khuyến khích các chủ thể tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, từ đó nâng sao cho sản phẩm để hướng đến xuất khẩu.
Ngọc Linh
Bình luận