Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 05:11
Thứ tư, 15/06/2022 16:06
TMO - Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, nhằm tiếp tục các sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo đó, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 124 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Đến năm 2025, 100% xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đều có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên.
Đồng thời, ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tham gia Đề án Chương trình OCOP. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP của thành phố. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ nhà nước trong hệ thống OCOP và lãnh đạo các tổ chức kinh tế tham gia Đề án Chương trình OCOP.
Sản phẩm OCOP của thành phố được giới thiệu rộng rãi tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm vụ trọng tâm của đề án là phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; trong đó, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo hướng sản xuất hữu cơ, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; phát triển sản xuất kết hợp với khai thác, phục vụ du lịch, đào tạo nghề cho khu vực nông thôn.
Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố cũng thực hiện chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường và chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương.
Phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương…), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng; bảo vệ môi trường.
Thành phố cũng thử nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế số gắn với thị trường xuất khẩu, gắn với lợi thế đặc hữu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng khu vực; nâng cao năng lực quản trị; kỹ năng đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; kiến thức và năng lực về sở hữu trí tuệ; tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm nông thôn.
Sản phẩm về thủy sản đạt chất lượng cao tại huyện Cần Giờ được trưng bày tại hội chợ. Ảnh: TT
Thông tin từ Sở NN&PTNT TP HCM, thành phố triển khai Chương trình OCOP từ năm 2019, tập trung phát triển nhóm 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm, nước lợ, cá cảnh; nhóm 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống và 4 sản phẩm nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành và 1 sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền của huyện Cần Giờ.
Sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm cho nhiều loại nông sản. Đến tháng 3/2022, TP HCM có 27 sản phẩm của 11 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố (21 sản phẩm 4 sao và 6 sản phẩm 3 sao) và 1 sản phẩm được làm hồ sơ đề xuất công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Trong thời gian tới, TP HCMđang xây dựng đề án phát triển sản phẩm OCOP với các đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể hơn như hỗ trợ lãi vay cho các tổ chức đầu tư phát triển sản phẩm mới. Ngành nông nghiệp và công thương thành phố cũng sẽ liên kết với các hệ thống siêu thị tổ chức khu trưng bày riêng dành cho các sản phẩm OCOP nhằm gia tăng tính nhận diện và tiếp cận khách hàng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và phát triển thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử.
Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị lớn với tốc độ đô thị hoá ngày càng cao nên các sản phẩm nông nghiệp của thành phố không đa dạng và cũng khó có thể mở rộng về quy mô như nhiều tỉnh, thành khác. Chính vì vậy, địa phương này đang xây dựng hướng đi riêng, đó là gắn Chương trình OCOP với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp thành phố có thể phối hợp với ngành du lịch Thành phố, các công ty lữ hành để đưa những nơi sản xuất, trồng trọt đặc sản OCOP thành những điểm đến tham quan cho du khách. Điều này không chỉ giúp gia tăng giá trị cho từng chủ thể mà còn tạo tiền đề thúc đẩy việc phát triển các chuỗi kinh tế liên kết bền vững trong tương lai.
Hội chợ có gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của thành phố Hồ Chí Minh
Mới đây, Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp UBND thành phố Thủ Đức, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.
Với 160 gian hàng trưng bày, hội chợ giới thiệu đến người tiêu dùng, khách tham quan những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, thân thiện với môi trường của thành phố và các địa phương phía nam.
Hồng Thắm
Bình luận