Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Chủ nhật, 09/07/2023 06:07
TMO - Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định hình thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu chính.
Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có 57.758,8 ha quế với trên 36.350 ha diện tích đã thành rừng và gần 21.400 ha diện tích chưa thành rừng. Vùng trọng điểm quế được xác định tại các huyện: Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà với diện tích 51.279 ha, chiếm 88,78% diện tích toàn tỉnh. Các huyện Bát Xát, Mường Khương, thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, cây quế mới được người dân trồng từ những năm 2015 trở lại đây và diện tích còn nhỏ lẻ.
Chất lượng rừng trồng quế trên địa bàn toàn tỉnh sinh trưởng và phát triển tương đối tốt. Đối với khu vực vùng thấp của tỉnh thời gian sinh trưởng trung bình từ khi trồng đến khi bắt đầu cho khai thác khoảng từ 10 - 14 năm; thời gian bắt đầu tỉa cành lá khoảng 05 - 06 năm. Tại một số xã vùng cao của tỉnh do yếu tố khí hậu, thời tiết nên cây Quế sinh trưởng và phát triển chậm hơn, cây thấp và phân cành sớm; thời gian cho khai thác vỏ cây khoảng từ 13 - 17 năm.
Hiện có 3.671 ha/57.758,8 ha quế của tỉnh Lào Cai đạt chứng chỉ quế hữu cơ; chiếm 6,5%. Trong năm 2023, Lào Cai sẽ kêu gọi các tổ chức nước ngoài, thu hút các doanh nghiệp phấn đấu xây dựng mới cấp chứng chỉ hữu cơ 7.500 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế phục vụ xuất khẩu. Lào Cai đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 30% sản phẩm quế được công nhận hữu cơ. Đến năm 2030, có trên 50% sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ và được quản lý trên hệ thống xác thực số (QRS).
Cây quế được xác định là một trong 5 cây trồng chủ lực tại tỉnh Lào Cai.
Năm 2022, sản lượng khai thác từ cây quế đạt 8.100 tấn vỏ quế; cành, lá 74.336 tấn; 45.000 m3 gỗ; 480 tấn tinh dầu quế. Thống kê của ngành chức năng tỉnh cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác quế đạt trên 112.000 tấn vỏ, cành, lá; 17.264 m3 gỗ; 261,3 tấn tinh dầu. Đến hết năm 2023, dự kiến diện tích khai thác trắng 702 ha, diện tích tỉa thưa khoảng 6.000 ha.
Dự báo sản lượng khai thác sẽ tăng mạnh nhất vào giai đoạn 2026 - 2030. Dự kiến từ năm 2024 đến năm 2030, mỗi năm Lào Cai có trên 4.000 ha quế được khai thác trắng và 10.000 ha quế trong giai đoạn tỉa thưa. Sản lượng khai thác dự kiến sẽ trên 40.000 tấn vỏ khô, 350.000 tấn cành lá và khoảng trên 210.000m3 gỗ, ước sản lượng tinh dầu quế sẽ từ 1.600 - 2.000 tấn/năm.
Thời gian qua, đợt nắng nóng kéo dài từ tháng 5-6 đã khiến trên 1.000 ha rừng bị ảnh hưởng, thiệt hại; trong đó 227ha quế bị thiệt hại trên 70% cây/1ha, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai... Tình hình sâu bệnh hại quế đã bắt đầu phát sinh trên diện rộng, khu vực trồng quế khác cũng xảy ra các đợt sâu đen ăn lá, bọ chích hút quế tại huyện Bắc Hà, Sâu đo ăn vỏ, Sâu đục thân… làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.
Hầu hết diện tích quế của tỉnh đều trồng với mật độ rất dày và trồng thuần loài; mật độ trồng phổ biến 5.000 - 7.000 cây/ha, có hộ trồng tới 10.000 cây/ha. Người dân chưa đầu tư thâm canh hay đầu tư cho khoa học kỹ thuật; rừng quế đa phần để phát triển tự nhiên, ít chăm sóc; không có tác động của hóa chất như phân bón thuốc trừ sâu nên năng suất thấp, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như sinh trưởng phát triển kém, sâu bệnh hại...
Nhằm thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu quế, nâng cao giá trị các sản phẩm sau chế biến, UBND tỉnh đã thực hiện các chính sách của Trung ương về đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Đồng thời, tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến quế.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ quế trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu chững lại; hiện nay tinh dầu quế xuất khẩu chậm, một số cơ sở chiết xuất nhỏ lẻ đã tạm dừng thu mua nguyên liệu; toàn tỉnh còn tồn gần 500 tấn tinh dầu quế, vỏ, than viên nén. Giá thu mua cành, lá quế khô chỉ từ 1.200 - 1.500 đồng/kg, vỏ quế khô từ 35.000 - 50.000 đồng/kg, gỗ quế từ 900.000 - 1.500.000 đồng/m3. So với cùng kỳ năm 2022, giá bán sau chế biến quế sáo hàng loại A giảm 18%; tinh dầu quế giảm 29%.
Tỉnh Lào Cai triển khai các giải pháp nhằm nâng cao sản lượng quế, chất lượng các sản phẩm sản xuất từ cây quế.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao. Quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững.
Để nâng cao giá trị cây quế cần tập trung phát triển theo chiều sâu, lựa chọn nguồn giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao chất lượng cây giống, đảm bảo cây giống đưa vào trồng phải có chất lượng tốt. Quy hoạch vùng trồng đối với từng loài cây, tập trung phát triển cây quế tại các xã vùng thấp có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Khuyến cáo người dân không phát triển quế ở những nơi có điều kiện thổ nhưỡng chưa phù hợp, những nơi có độ cao trên 800m.
Khuyến khích đầu tư, xây dựng các cơ sở chế biến tinh dầu và các sản phẩm khác từ quế tại xã có vùng trồng tập trung với diện tích lớn; ưu tiên xây dựng các nhà máy quy mô, công suất lớn, chế biến sâu. Đồng thời tăng cường liên kết chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm ổn định thị trường đầu ra và giá bán cho người trồng quế.
Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định hình thành vùng trồng quế tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu chính; gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn..Tập trung xây dựng thương hiệu quế Lào Cai, đến năm 2025 có 30% sản phẩm quế được công nhận hữu cơ. Đến năm 2050, có trên 50% sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ và được quản lý trên hệ thống xác thực số (QRS).
Tỉnh Lào Cai đang tập trung quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ do người dân xây dựng và có sự liên kết với doanh nghiệp. Tỉnh đã và đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hướng chế biến sâu, tìm kiếm thị trường, hình thành chuỗi liên kết từ việc ươm, trồng, chế biến đến tiêu thụ.
Với mục tiêu phát triển việc trồng quế và ngành hàng quế bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, địa phương tăng cường hướng dẫn việc lập và chịu trách nhiệm thẩm định quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của UBND cấp huyện; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giống cây lâm nghiệp (nhất là giống cây quế); đề xuất các giải pháp, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở, nhà máy sơ chế, chế biết, tinh chế các sản phẩm từ quế để nâng cao giá trị sản phẩm; tìm kiếm và mở rộng thị trường tiềm năng nhằm phát triển ngành hàng quế thực sự ổn định, đảm bảo tính bền vững.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất thực hiện một số đề tài khoa học có tính chất căn cơ, lâu dài đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, quy cách, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ… của các nước trên thế giới đối với các sản phẩm từ cây quế.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, cương quyết xử lý các trường hợp phá rừng lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng cây quế, đặc biệt là các khu vực điểm nóng về phát triển cây quế; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân không phát triển cây quế ồ ạt như hiện nay, đặc biệt tại các khu vực có đai cao trên 800 m.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu: Các địa phương sớm triển khai Dự án Phát triển ngành hàng quế theo hướng sản xuất hữu cơ và các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quế cho người dân; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động sử dụng, buôn bán các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, bệnh không rõ nguồn gốc, sử dụng không theo quy định;
Đặc biệt, phải coi việc xây dựng thương hiệu quế và canh tác quế hữu cơ là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài để phát triển ngành hàng quế của từng địa phương và của cả tỉnh, đảm bảo góp phần quan trọng để hoàn thành một trong những mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Thanh Huyền
Bình luận