Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 14:11
Thứ sáu, 10/02/2023 23:02
TMO – Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách, văn bản pháp luật về quản lý đất ngập nước nhằm nội luật hóa các quy định của Công ước, đồng thời triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước trên toàn quốc.
Thống kê đến nay, Việt Nam đã đề cử thành công 9 khu Ramsar với tổng diện tích 120.549 ha, bao gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy – Nam Định; Bàu Sấu thuộc vườn quốc gia Cát Tiên – Đồng Nai; Hồ Ba Bể - Bắc Kạn; Tràm Chim – Đồng Tháp; Vườn quốc gia Mũi Cà Mau; Vườn quốc gia Côn Đảo; Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen - Long An; Vườn quốc gia U Minh Thượng - Kiên Giang; Khu bảo tồn thiên nhiên ĐNN Vân Long – Ninh Bình.
Việc công nhận các khu Ramsar góp phần thu hút sự chú ý của quốc tế và quốc gia trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời tăng cường công tác nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô giá của đất nước nói chung và các khu Ramsar nói riêng, tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Bước đầu, Mạng lưới các khu Ramsar của Việt Nam đã được thiết lập, vận hành hoạt động.
Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai)
Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện, hình thành, phát triển mạng lưới các khu Ramsar, và Danh mục vùng đất ngập nước quan trọng. Trước đó, 47 khu bảo tồn đa dạng sinh học đã được đưa vào quy hoạch và khoanh vi để thành lập. Năm 2019-2020, Việt Nam đã thành lập 2 Khu Bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học là Khu bảo tồn thiên nhiên Thái Thụy (Thái Bình) và Khu bảo tồn thiên nhiên Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế).
Đất ngập nước Việt Nam phân bố khắp mọi miền đất nước và đóng vai trò sống còn đối với phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Việt Nam đã tham gia Công ước Ramsar từ năm 1989, là nước thứ 50 trên thế giới và nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tham gia Công ước này. Hiện nay, các khu Ramsar và các khu bảo tồn thuộc vùng đất ngập nước chưa đảm bảo thực hiện đầy đủ các mục tiêu, kế hoạch chiến lược của Công ước Ramsar về bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước vì chưa có sự kết nối, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong nước và quốc tế một cách kịp thời về quản lý đất ngập nước cũng như bảo tồn, sử dụng khôn khéo đất ngập nước. Ngoài ra, sự hạn chế về kiến thức và kỹ năng bảo tồn, sử dụng bền vững đất ngập nước đã ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý khu Ramsar, khu bảo tồn đất ngập nước trước các áp lực phát triển và tác động của biến đổi khí hậu.
Để giải quyết những tồn tại và thách thức nêu trên, việc thành lập, phát triển mạng lưới khu Ramsar và khu bảo tồn đất ngập nước là rất cần thiết nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện sứ mệnh của Công ước Ramsar tại Việt Nam và trên phạm vi toàn cầu, đồng thời sẽ kết nối các nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng và các bên liên quan trong việc thúc đẩy công tác bảo tồn và sử dụng khôn khéo tài nguyên đất ngập nước, đặc biệt tăng cường hiệu quả quản lý các khu Ramsar, khu bảo tồn đất ngập nước.
Quốc Dũng
Bình luận