Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ hai, 21/11/2022 02:11
TMO - Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực đưa công tác thiết lập, quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu các ngành hàng hiệu quả.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND triển khai công tác thiết lập quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, kế hoạch nhấn mạnh tới mục tiêu tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, kịp thời và đồng bộ các quy định của nước nhập khẩu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng, quản lý sinh vật gây hại tại những mã số vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu… Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối của tỉnh tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn về quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, GAP, GlobalGAP…, quy trình kiểm soát dịch hại, ghi chép hồ sơ, cập nhật thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong quá trình sản xuất để truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của nước nhập...
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; chịu trách nhiệm là đầu mối tại địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, quản lý, giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói liên kết nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác để cấp mã số vùng trồng; hằng năm bố trí nguồn lực thực hiện giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp sức khỏe cây trồng tổng hợp; duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số…
Tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích cây lâu năm 354.365ha, trong đó diện tích cây công nghiệp là 311.041ha, chiếm 87% cây lâu năm của tỉnh. Một số cây công nghiệp chủ lực như cây cà-phê 213.350ha, cây cao su 34.350 ha, điều 27.720 ha, hồ tiêu 32.820 ha...., và cây ăn quả 43.324 ha, chiếm 13% diện tích cây lâu năm của tỉnh.
Giám sát chất lượng vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đặc biệt với diện tích sầu riêng xuất khẩu là nhiệm vụ được UBND tỉnh chú trọng triển khai.
Trong những năm trở lại đây, cây ăn quả của tỉnh Đắk Lắk cũng phát triển rất mạnh, không những tăng nhanh về diện tích mà còn tăng về năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, sầu riêng và bơ là hai cây ăn quả chủ lực của tỉnh chiếm khoảng 57% diện tích, trong đó cây sầu riêng là cây có giá trị kinh tế cao được trồng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê đến nay, diện diện tích sầu riêng của toàn quốc dao động từ 85.000 ha - 90.000 ha, sản lượng 1,3 triệu tấn, trong khi đó diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk chiếm 17,6% diện tích của cả nước
Đến nay Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã phê duyệt 51 mã số vùng trồng cho 11 tỉnh và 25 cơ sở đóng gói trong cả nước: trong đó Đắk Lắk đã được phê duyệt 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng được phê duyệt của cả nước) với diện tích khoảng 1.500 ha (chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh) và 04 mã cơ sở đóng gói sầu riêng (chiếm 17,3% mã cơ sở đóng gói của cả nước). Ngày 17/09/2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư sang thị trường Trung Quốc.
Để sầu riêng bền vững xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thì phải thực hiện quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói nỗ lực đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện đúng quy cách về đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp, vùng trồng phải có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, tránh việc cho phép sử dụng mã số tràn lan, vượt quá sản lượng, công suất thực tế dẫn đến bị thu hồi mã số, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của sầu riêng Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Mai Lan
Bình luận