Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 00:01
Thứ hai, 10/04/2023 07:04
TMO - Nhằm tạo nền tảng thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngành logistics khu vực này cần được tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, nhân lực thúc đẩy phát triển vận tải xanh, các hệ thống bến cảng thủy nội địa, tăng cường liên kết vùng.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang đóng góp khoảng 45% vào kinh tế đất nước. Không chỉ giữ vai trò đầu tàu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn là khu vực tập trung hạ tầng và dịch vụ logistics quan trọng, với hàng chục nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container cả nước. Tuy vậy, khu vực này vẫn còn những "điểm nghẽn" về cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư, sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất - xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics chưa hiệu quả, hay bất cập về cơ chế chính sách… khiến logistics trong vùng chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu.
Tại khu vực phía Nam, mặc dù đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua 2 hệ thống cảng TP.HCM và Bà Rịa- Vũng Tàu, đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ yếu, hệ thống giao thông quá tải, thiếu đường cao tốc gây tình trạng tắc nghẽn, gia tăng chi phí nhân lực, vật lực; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù có hệ thống sông thuận lợi cho phát triển phương thức vận tải thủy nội địa, nhưng thực tế, hàng hóa tại khu vực này vẫn phải tập trung về các cảng Đông Nam bộ để xuất khẩu, gây tốn kém, mất thời gian và phức tạp.
Chính phủ đã có định hướng phát triển đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản. Do đó việc phát triển ngành logistics cần đi đôi và song hành với sự phát triển của khu vực và đáp ứng cho hoạt động giao nhận vận chuyển xuyên suốt.
Đầu tư phát triển logistics sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Trong đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP.HCM xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 đến 15%. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông tại TP.HCM nói riêng và cả vùng Ðông Nam bộ nói chung vẫn đang thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các doanh nghiệp.
Để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp thì không nên đầu tư dàn trải nhiều dự án mà nên ưu tiên xây dựng trước các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; TP.HCM- Mộc Bài hay các dự án kết nối cửa ngõ với 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ và vùng Ðông Nam bộ, các tuyến đường vào các cảng biển.
Đồng thời, cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để khai thác hiệu quả phương thức vận tải đường thủy và kết nối hoạt động xuất khẩu trực tiếp từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics như ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp, quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ gắn với quy hoạch chung, các mục tiêu phát triển của địa phương và cả vùng kinh tế.
Đối với mục tiêu xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm logistics của cả khu vực cần tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch đảm bảo cho sự luân chuyển hàng hoá và hoạt động logistics được thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng cường mở rộng các tuyến đường thuỷ, nạo vét kênh rạch để giảm tải cho đường bộ, đón tàu lớn vào các khu vực làm hàng. Đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch các trung tâm logistics, cảng cạn kết nối vào thực tế để nhanh chóng hình thành khu vực vệ tinh cho các cảng luân chuyển hàng hoá nhanh hơn.
Hoạt động logistics khu vực này cần được tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, nhân lực thúc đẩy phát triển vận tải xanh. Ảnh: NL.
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phát triển theo hướng vận tải xanh. Theo đó, cần xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng tại TP.HCM đối với phương thức vận tải bằng đường thủy, các hệ thống bến cảng thủy nội địa, thúc đẩy tính liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh, thành phố có thuận lợi kết nối bằng đường thủy nội địa. Xây dựng các chính sách để hỗ trợ quá trình phát triển cảng thương mại tự do, trong đó có miễn thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân và nhà đầu tư.
Ngoài ra, cần thiết lập hệ thống công nghệ thông tin kết nối với các cảng hiện hữu và dữ liệu của hải quan để đảm bảo kiểm soát hàng hóa trong cảng thương mại tự do hoàn toàn chính xác. Có lộ trình thu hút đầu tư, kinh doanh bao gồm cả hàng hóa trung chuyển, quá cảnh với "thuế quan bằng 0%, thuế suất thấp và hệ thống thuế đơn giản" nhằm thúc đẩy dòng thương mại, đầu tư, vốn và nguồn nhân lực xuyên biên giới thuận tiện hơn, cũng như an toàn và an ninh thông tin, dữ liệu.
Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cũng đang là rào cản khiến cho hoạt động này chưa thật sự phát triển. Khi nhu cầu logistics phát triển mạnh với các chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế thì ngành logistics cần đáp ứng ngay nhân sự chất lượng cao từ các viện đào tạo, trường đại học trong khu vực. Tuy nhiên, các trường đại học hiện tại có chuyên ngành liên quan đến logistics còn khá ít, trong khi nhân sự cần đào tạo chuyên sâu hơn tại doanh nghiệp mới có thể đáp ứng được công việc.
Do đó, cần có giải pháp tập trung phát triển nguồn nhân lực càng sớm càng tốt và có chiến lược đào tạo dài hạn trong tương lai theo chuẩn quốc tế; kết hợp đào tạo lý thuyết và thực tiễn tại doanh nghiệp nhằm giúp người lao động nhanh chóng tiếp cận môi trường làm việc theo chuẩn quốc tế; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ phát triển thị trường dịch vụ logistics…
Trần Tuấn
Bình luận