Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 09:11
Thứ bảy, 10/12/2022 12:12
TMO - Vùng Đông Nam Bộ bao gồm 6 tỉnh, thành phố (TP. HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu). Đây là vùng có địa hình rộng, thoáng, rất thuận lợi phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông vận tải.
Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Đô thị hóa của vùng Đông Nam Bộ đạt 67%; diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, mặc dù luôn dẫn đầu GRDP của vùng nhưng thời gian gần đây, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Tỷ lệ đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp; việc quy hoạch và triển khai các quy hoạch còn chậm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng.
(Ảnh minh hoạ)
Một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc khu vực này cần có cơ chế mới tạo điều kiện cho vùng đóng vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của đất nước. Lý giải việc này, theo các chuyên gia, kinh tế vùng Đông Nam Bộ sở dĩ lâu nay vẫn chưa bứt phá được hết như kỳ vọng, một phần do các quy định về liên kết vùng đối với các địa phương chưa có chế tài; hệ thống pháp luật chưa có quy định cụ thể về chính quyền cấp vùng. Điều này dẫn đến không có bộ máy điều hành vùng, không có nguồn ngân sách vùng để phục vụ phát triển. Cùng với đó, một phần là do giao thông kết nối vùng còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ quy hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất về kết hợp vận tải đa phương thức. Những hạn chế, bất cập của vùng nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai thác hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là 'dư địa' để Đông Nam Bộ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đang mở ra không gian và triển vọng phát triển cho vùng Đông Nam Bộ nhiều lợi thế; trong đó, tập trung nguồn lực, nhất là hoàn thiện chính sách và thể chế tạo động lực phát triển không chỉ đưa vùng vào giai đoạn phát triển mới, mà còn đóng góp to lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta với tầm nhìn đến năm 2045. Nhiều mục tiêu trong Nghị quyết cũng đặt ra thách thức rất lớn, tuy nhiên, muốn hoàn thành phải có những nhóm nhiệm vụ và giải pháp thật sự đột phá.
Quốc Dũng
Bình luận