Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ ba, 15/11/2022 13:11
TMO - Thời gian qua, tỉnh Lào Cai tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế từ diện tích rừng tại địa phương trong phát triển kinh tế kinh tế dược liệu, thúc đẩy du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng gắn với các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh, qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo công bố hiện trạng rừng tỉnh Lào Cai năm 2021, tính đến ngày 31/12/2021, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 378.036,2 ha; trong đó 267.373 ha rừng tự nhiên và 110.663,2 ha rừng trồng. Diện tích rừng đủ tiêu chí để tính tỷ lệ che phủ rừng là 362.195,2 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 56,91%. Khai thác hiệu quả những lợi thế về diện tích rừng tại địa phương, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh phát triển hiệu quả kinh tế dưới tán rừng.
Đối với cây dược liệu, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, tổng diện tích cây dược liệu của Lào Cai hết năm 2021 đạt khoảng 3.584ha, sản lượng đạt 18.200 tấn tươi. Giá trị thu nhập bình quân đạt từ 120-150 triệu đồng/ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Thị xã Sa Pa. Diện tích cây dược liệu đạt chứng nhận GACP đạt hơn 140ha trên 11 loại cây dược liệu. Đến nay, một số địa phương tại Lào Cai đã đẩy mạnh phát triển nhóm cây dược liệu chiết suất tinh dầu (chùa dù, thuốc tắm người Dao...), phát triển gắn với du lịch để nâng cao giá trị.
Khai thác hiệu quả những lợi thế về điều kiện tự nhiên, các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: TP
UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, 10 chủng loại cây dược liệu có thế mạnh sẽ được tỉnh ưu tiên phát triển như: Đương Quy, Xuyên Khung, Atiso, Đảng Sâm, Tam Thất… Vùng phát triển cây dược liệu được quy hoạch tập trung tại các huyện có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, phù hợp như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương và Văn Bàn. Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh lên 22 chủng loại chính với diện tích đạt 3.700ha, sản lượng đạt khoảng 16.000-17.000 tấn/năm; 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).
Về dịch vụ môi trường rừng, kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật việc quản lý, sử dụng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh cho thấy: từ năm 2019 đến tháng 9/2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thu 518.216 triệu đồng, chi 474.346 triệu đồng cho các chủ rừng là các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức là chủ rừng đã sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng...
Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường cùng các chủ trương, chính sách khác về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý cho các chủ rừng; hạn chế, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép; bảo vệ và phát triển vốn rừng. Để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục đi vào cuộc sống, hiện nay Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lào Cai đang tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nội dung Luật Lâm nghiệp đến các chủ rừng, người dân; huy động các nguồn xã hội và sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng, giúp những cánh rừng trên địa bàn tỉnh thêm xanh.
Du lịch sinh thái gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững đang được địa phương chú trọng triển khai.
Bên cạnh đó, hiện nay, du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng, du lịch sinh thái vườn rừng tại Lào Cai đã dần định hình, đi vào hoạt động và được du khách đến tỉnh ưa chuộng, lựa chọn. Một số điểm du lịch sinh thái nổi tiếng có lượng khách du lịch lớn tham quan hàng năm như: Vườn Quốc gia Hoàng Liên, khu du lịch sinh thái Hàm Rồng - Sa Pa, rừng già Y Tý - Bát Xát,... Cùng với đó, mô hình du lịch sinh thái vườn rừng kết hợp homestay đã và đang gặt hái kết quả khả quan, như: homestay rừng quế tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; Thác mơ, xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng…
Tại tỉnh Lào Cai, các mô hình cây con phát triển dưới tán rừng trên địa bàn góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai trên địa bàn. Hiện tại, tỉnh có gần 60 trang trại nông lâm kết hợp, gắn với phát triển các loại cây trồng sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Tại Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Lào Cai chú trọng triển khai các nhiệm vụ phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng, trong đó Tiếp tục tập trung khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tại khu vực vùng cao, có độ dốc lớn tại các huyện có nguy cơ sa mạc hóa cao như: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn và Sa Pa. Giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện khoanh nuôi 27.600 ha; trong đó khoanh nuôi mới 4.800 ha, khoanh nuôi chuyển tiếp 22.800 ha.
Cùng với khai thác lợi thế, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành địa phương đẩy mạnh công tác trồng mới, bảo vệ diện tích rừng
Đẩy mạnh việc trồng cây xanh phân tán, giai đoạn 2021 - 2025 trồng mới 10 triệu cây theo mục tiêu kế hoạch thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Phấn đấu tỷ lệ cây giống lâm nghiệp cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt trên 95%. Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; đến năm 2025 năng suất rừng trồng đạt bình quân 20 m3/ha/năm. Tính đến đầu tháng 11/2022 toàn tỉnh đã trồng mới 5.427 ha diện tích rừng. Trong số này có 4.762 ha là rừng sản xuất, đạt 87% so với kế hoạch năm 2022. Tỉnh đặt mục tiêu sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 5.450 ha rừng sản xuất ngay trong tháng 11.
Đẩy mạnh gây trồng, sử dụng lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào sản phẩm chủ lực của tỉnh (cây quế) và các sản phẩm tiềm năng địa phương có thế mạnh, có giá trị kinh tế trên cơ sở phát huy lợi thế của các địa phương như nhựa bồ đề, dược liệu, măng,... Có cơ chế, chính sách để chủ rừng được quản lý, khai thác, phát triển và sử dụng bền vững lâm sản ngoài gỗ.
Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản phát triển công nghiệp chế biến lâm sản gắn với cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển đồng bộ các khâu của chuỗi giá trị lâm sản từ sản xuất, khai thác, đến chế biến, tiêu thụ phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất và đặc điểm, lợi thế của từng ngành hàng, từng vùng; gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, phấn đấu đến năm 2025 trên 80% sản lượng gỗ rừng trồng trong tỉnh được qua chế biến trong tỉnh.
Tập trung vào phát triển một số cơ sở chế biến các sản phẩm lâm sản chủ lực gồm: gỗ ghép thanh, ván dán và các sản phẩm từ quế. Đặc biệt kêu gọi nhà đầu tư chiến lược vào xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm tinh dầu quế tinh, công suất lớn để nâng cao giá trị sản phẩm; thành lập, xây dựng mới từ 1 đến 2 nhà máy chế biến vỏ quế xuất khẩu. Phấn đấu tăng tỷ lệ chế biến về giá trị từ 29% năm 2020 lên trên 40% trong cơ cấu giá trị ngành lâm nghiệp vào năm 2025.
Thúc đẩy việc triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp; khuyến khích phát triển du lịch sinh thái đồi rừng nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích rừng; đẩy mạnh việc khai thác du lịch, dịch vụ sinh thái tại các Khu Bảo tồn, Vườn quốc gia... Xây dựng các mô hình kinh doanh rừng tổng hợp trong đó có sự định hướng, điều tiết của nhà nước làm cơ sở nhân rộng mô hình.
Trần Hoàng
Bình luận