Hotline: 0941068156
Thứ ba, 05/11/2024 10:11
Chủ nhật, 11/12/2022 08:12
TMO - Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn (2021 – 2030) đề ra chủ trương lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng, đưa ra chỉ tiêu về đô thị hóa đến năm 2025, đạt khoảng 45%, đến năm 2030, đạt trên 50% và xác định một trong ba đột phá chiến lược là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, để hoàn thành mục tiêu nêu trên, ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Cụ thể, sẽ tiếp tục đầu tư khép kín các đường vành đai (vành đai 4, vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội; vành đai 3, vành đai 4 vùng TP.HCM), đường xuyên tâm chính, hệ thống giao thông công cộng, bến, bãi đỗ xe, giao thông ngầm tại các đô thị...Kết nối thuận lợi mạng lưới giao thông đô thị trên toàn quốc, hệ thống giao thông đô thị khắc phục tình trạng ngập úng, nâng cao năng lực thông hành, chống ùn tắc giao thông.
(Ảnh minh hoạ. Nguồn: H.Q)
Hình thành các trục giao thông với cảnh quan kiến trúc đô thị đặc thù theo vùng, miền. Phấn đấu đạt tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị năm 2025 đạt khoảng 11 - 16%, năm 2030 đạt khoảng 16 - 26%...Cùng với đó, tập trung đầu tư phát triển đường sắt đô thị, khuyến khích phát triển theo mô hình TOD; triển khai đầu tư hai đoạn tuyến ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM) để phát triển đô thị dọc tuyến; đầu tư các tuyến đường sắt kết nối cảng cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối TP.HCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia để hỗ trợ các đô thị trong khu vực phát triển.
Phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy, từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng; kênh hóa các đoạn sông qua đô thị lớn, nâng cấp tĩnh không cầu (cầu Đuống...) và chuyển đổi công năng cảng thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa.
Tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội (cảng hàng không Nội Bài) và vùng TP.HCM (cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Long Thành) để đáp ứng nhu cầu vận tải đô thị tại hai đầu Bắc - Nam. Từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư các cảng hàng không mới để bảo đảm trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.
Phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) và phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng), các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, hỗ trợ phát triển đô thị trong khu vực; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Đức Nam
Bình luận