Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 17/01/2025 00:01
Thứ tư, 15/01/2025 06:01
TMO - Tại khu vực làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) nơi chân núi Ngọc Linh, đang có những bước thay đổi đột phá bởi người dân đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với trồng cây dược liệu. Đây là tiềm năng dồi dào cho việc phát triển các loại hình du lịch.
Với khoảng 2,3 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 8.000 lượt khách quốc tế đến tỉnh Kon Tum, ngành du lịch Kon Tum đã có một năm thành công trong năm 2024. Doanh thu từ hoạt động du lịch có sự tăng trưởng đáng kể. Từ mức 213 tỷ đồng năm 2017, doanh thu đã tăng lên 265 tỷ đồng vào năm 2022; đạt 537 tỷ đồng vào năm 2023, tăng 150% so với năm 2017. Riêng năm 2024, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 690 tỷ đồng.
Để có được kết quả đó, ngành du lịch tỉnh Kon Tum đã có sự chuyển biến và nỗ lực. Đặc biệt các địa phương trong tỉnh cũng đã và đang có nhiều chính sách thúc đẩy du lịch, dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vì vậy cải thiện đáng kể sức hút đối với du khách. Tiêu biểu trong số đó là tại làng du lịch cộng đồng Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum). Điều này phản ánh rằng, Kon Tum đang trên đà khởi sắc, dần trở thành điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.
Cách đây hơn 5 năm, người dân làng Tu Thó sống trong khu bản làng cũ, nơi nằm trong vùng sạt lở mỗi khi mưa bão đổ về. Còn hiện tại, Tu Thó đã được di dời về nơi ở mới, cuộc sống người dân cũng trở nên khởi sắc hơn nhờ sự đầu tư mạnh mẽ từ chính quyền địa phương. Điểm nổi bật nhất của làng Tu Thó là những căn nhà được thiết kế tuyệt đẹp phục vụ du khách nghỉ dưỡng.
Những căn nhà này có view hướng ra đồi, từ đây du khách có thể “săn” mây, ngắm những vườn hoa hồng Bulgaria rực rỡ hay cánh rừng thông thoai thoải trên các sườn đồi. Cuộc sống của người dân Tu Thó ngày càng khởi sắc không chỉ nhờ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nơi đây còn được biết đến với những vườn dược liệu quý hiếm, nổi bật nhất là cây sâm Ngọc Linh.
Nói về hướng phát triển mới giúp người dân làm giàu không thể không nhắc đến cây sâm Ngọc Linh. Bất cứ lúc nào, người đồng bào Xơ Đăng nơi đây cũng bàn tán về việc đầu tư trồng dược liệu và liên kết làm du lịch để nâng cao đời sống. Theo chia sẻ của một số đồng bào sinh sống tại thôn Tu Thó cho biết, 5 năm trước, gia đình sinh sống ở ngôi làng cũ rất khó khăn, luôn nơm nớp nỗi lo nhà cửa bị sạt lở khi mưa lũ đổ về.
Sau đó, huyện đã khảo sát, đầu tư khu tái định cư Tu Thó. Dự án được xây dựng nhanh chóng, các hộ gia đình đã tiên phong về nơi ở mới sinh sống. Cũng kể từ đây, người dân không còn lo cảnh núi đè, cuộc sống đã ổn định hơn. Đặc biệt, các gia đình đã có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế mới, trong đó tập trung trồng cà phê xứ lạnh, sâm dây, sâm Ngọc Linh, trồng thông… giúp nâng cao thu nhập. Được biết, làng tái định cư Tu Thó là ngôi làng đầu tiên ở Kon Tum được chọn để đăng cai 2 sự kiện mang tầm vóc quốc tế và có ảnh hưởng đến ngành sâm là Hội thi ẩm thực quốc tế dược liệu sâm Ngọc Linh và Hội thảo sâm Ngọc Linh.
Đây là 2 sự kiện rất quan trọng, có tác động to lớn đến ngành dược liệu khiến người dân trong làng Tu Thó rất tự hào, phấn khởi. Khu tái định cư thôn Tu Thó xây dựng cách đây khoảng 5 năm trước với mục tiêu đưa các hộ dân đồng bào Xơ Đăng ở vùng có nguy cơ sạt lở về định cư. Việc đầu tư khu tái định cư đã mang lại hiệu quả to lớn khi giúp dân an cư, đời sống không ngừng nâng cao.
Làng du lịch cộng đồng thôn Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) nhìn từ trên cao. (Ảnh: Tỉnh Kon Tum).
Lãnh đạo UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) cho biết, đời sống bà con bây giờ khác xưa, ổn định hơn, từng bước thoát nghèo. Minh chứng cho điều này được thể hiện qua các con số khi tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Trước khi di dời vào năm 2019, làng Tu Thó có 139 hộ, thì có đến 69 hộ nghèo.
Đến nay, làng có 164 hộ thì chỉ còn 31 hộ nghèo. Để có sự chuyển biến tích cực đó, bà con cũng đã thay đổi, từ phá rừng sang trồng rừng, từ trông chờ ỷ lại đến chủ động bán trâu bò để lấy vốn phát triển các mô hình kinh tế cao. Hiện nay, rất nhiều hộ dân đã trồng và sở hữu những vườn cà phê, sâm Ngọc Linh, sâm dây có giá trị rất cao, cho nguồn thu ổn định.
Hiện 100% hộ dân có nhà ở kiên cố, nhiều nhà đầu tư xây dựng từ 200 triệu đến 800 triệu đồng. Lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm, Lãnh đạo tỉnh Kon Tum rất quan tâm đến việc ổn định dân cư cho đồng bào Xơ Đăng ở thôn Tu Thó. Tỉnh đã gợi mở nhiều chính sách để địa phương triển khai chăm lo, giúp dân an cư. Các chính sách nói trên đã phát huy hiệu quả, đời sống đồng bào Xơ Đăng đã khởi sắc. Để giúp bà con phát triển kinh tế, địa phương đã làm quy trình để công nhận làng tái định cư Tu Thó thành làng du lịch cộng đồng.
Để hiện thực hóa điều này, thời gian qua, huyện đã tổ chức kêu gọi đầu tư vào làng, xây dựng các điểm check-in là những vườn hoa, cây cảnh. Mặt khác, liên kết thành các tổ phục vụ du lịch như: Tổ cồng chiêng, xoang, ẩm thực… Đồng thời, đưa đồng bào Xơ Đăng về TP. HCM học lớp bồi dưỡng phục vụ du lịch…Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã ra quyết định công nhận Tu Thó là làng du lịch cộng đồng, đây là cơ hội lớn cho đồng bào Xơ Đăng phát triển tiềm năng du lịch, bảo tồn văn hoá truyền thống, giúp đời sống thêm phần khởi sắc.
Hiện, trên toàn tỉnh Kon Tum đã công nhận 13 điểm du lịch và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Tỉnh đang tích cực khảo sát, đánh giá để xem xét công nhận thêm các điểm du lịch mới, góp phần mở rộng các loại hình du lịch, tăng sức hấp dẫn của Kon Tum đối với du khách trong và ngoài nước.
Cùng với đó, các sản phẩm và dịch vụ du lịch của tỉnh ngày càng phong phú và đa dạng, có nhiều sản phẩm xây dựng được thương hiệu trong khu vực và cả nước. Tỉnh có những điểm nhấn du lịch nổi bật như: du lịch văn hóa-lịch sử cách mạng; du lịch cộng đồng gắn với trồng cây dược liệu như tại làng Tu Thó; du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh, cùng những trải nghiệm độc đáo như du lịch rừng gắn liền với sản phẩm sâm Ngọc Linh...
Có thể nói, với thành công của năm 2024, không khó để thấy, ngành du lịch tỉnh Kon Tum nói chung và tại làng Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) nói riêng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón 2,5 triệu lượt khách, theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/5/2022 về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thu Thuỷ
Bình luận