Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Chủ nhật, 17/09/2023 07:09
TMO - Ninh Thuận là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc hữu. Các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sẽ giúp khai thác tốt tiềm năng này.
Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện khí hậu khô hạn nhất cả nước. Hiện toàn tỉnh có tổng diện tích tự nhiên 3.358km2, trong đó hơn 83.736ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ rệt, có nhiều mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định được đầu ra của sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp.
Các sản phẩm nông - lâm - thủy sản tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng tiến triển tốt, được tổ chức liên kết ngày càng chặt chẽ dưới nhiều hình thức và kênh phân phối khác nhau như: Hệ thống chợ, thương lái, hợp đồng thương mại hay hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số cơ sở có sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng an toàn, chuỗi giá trị liên kết, sản phẩm OCOP... đã tham gia vào các siêu thị, chợ đầu mối tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng được các địa phương ưu tiên mở rộng. Từ đó, tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác với hộ kinh doanh các sản phẩm nông-lâm-thủy sản cung ứng cho thị trường.
Liên minh HTX tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 113 hợp tác xã (HTX), với 18.846 thành viên, tổng vốn đăng ký 219,89 tỷ đồng. Trong đó có 85 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 10 HTX sản xuất tiểu thủ công nghiệp; 8 HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp; 7 HTX lĩnh vực vận tải; 3 Quỹ tín dụng nhân dân.
Các HTX nông nghiệp phát triển ổn định, từng bước khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong việc tổ chức sản xuất ở nông thôn. Các HTX liên kết với doanh nghiệp, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm hàng hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh Ninh Thuận được người tiêu dùng cả nước biết đến như: Nho, măng tây xanh, hành tỏi, lúa hữu cơ, ớt, dê cừu, lợn đen, gà thả vườn…
Măng tây là một trong những cây trồng chủ lực, được đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh.
Với tổng diện tích canh tác 257 ha, cây măng tây xanh của tỉnh Ninh Thuận cho thu hoạch quanh năm với sản lượng ước đạt 700 tấn/năm. Cây măng tây xanh là sản phẩm đặc thù của vùng đất nắng gió Ninh Thuận, cho thu nhập trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/ha/năm. Để phát triển diện tích trồng măng tây xanh, mang lại thu nhập cho các hộ thành viên, các HTX: An Xuân, Châu Rế và Tuấn Tú đã liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm rau cho bà con với giá trung bình 45.000 đồng/kg. Ngoài cung cấp măng tươi xanh cho thị trường, các HTX còn chế biến trà măng tây xanh dạng túi lọc đóng gói để cung ứng ra thị trường. Sản phẩm trà măng tây xanh túi lọc đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài măng tây xanh, hiện nay, nông dân tỉnh Ninh Thuận canh tác trên 1.160 ha nho theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Hàng năm, nông dân Ninh Thuận cung cấp cho thị trường khoảng 26.000 tấn nho trái thương phẩm. Các HTX: Thái An, Xuân Hải, Nhơn Sơn... sản xuất và kinh doanh nho tươi, chế biến các sản phẩm từ nho như mật nho, nho sấy khô, mứt nho kết hợp mô hình tham quan du lịch, tăng thu nhập cho các nông hộ thành viên.
Bên cạnh đó là sản phẩm táo quả. Toàn tỉnh có diện tích 1.055 ha đất trồng táo, cho sản lượng trung bình khoảng 40.000 tấn/năm. Đây là một trong những loài cây ăn trái giúp các hộ thành viên HTX vươn lên làm giàu bền vững. Điển hình như HTX Mỹ Sơn, HTX Nhơn Sơn, HTX Xuân Hải, HTX Trường Thọ thực hiện quả mô hình nâng cao chuỗi giá trị cây táo, mang lại thu nhập cao.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 61 chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt theo chuỗi giá trị với tổng quy mô 14.327 ha có sự tham gia của gần 16.600 hộ dân. Trong đó, có 45 chuỗi liên kết do HTX chủ trì và 16 chuỗi liên kết do DN chủ trì đã liên kết sản xuất các cây trồng chủ lực, có thế mạnh của địa phương như: Lúa, bắp giống, nho, táo, măng tây, nha đam, mía, mì, ớt, tỏi, hành tím... Các địa phương đã phê duyệt 22 dự án và 19 kế hoạch liên kết với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 15,4 tỷ đồng để triển khai thực hiện liên kết sản xuất cánh đồng lớn, hỗ trợ hạ tầng, công tác khuyến nông, tập huấn, hỗ trợ vật tư, giống cây trồng và bao bì, nhãn mác sản phẩm. Năm 2023 các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức ký kết 9 hợp đồng kinh tế liên kết giữa các đơn vị phân phối tiêu thụ và các chủ thể sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới.
Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến tiêu thụ được 15 sản phẩm gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn, chuỗi giá trị này được công nhận sản phẩm OCOP. Qua đánh giá, tham gia vào chuỗi liên kết, người dân không chỉ được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn mà giá trị thu được của các mô hình liên kết cũng cao hơn từ 15-20% so với sản xuất truyền thống, hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu sản phẩm, chất lượng được quản lý. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp tham gia liên kết đã đưa sản phẩm vào chuỗi hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, nhằm tạo ra sản phẩm đồng nhất về mẫu mã, chất lượng.
Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho biết, để triển khai thực hiện hiệu quả các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất, quản lý trong sản xuất nhà nước, thời gian tới đơn vị phối hợp các đơn vị, địa phương đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, nhằm tạo ra sản phẩm đồng nhất về mẫu mã, chất lượng. Nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, chuỗi giá trị có hiệu quả, phù hợp với từng địa phương. Tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là các quy trình sản xuất VietGAP, ứng dụng công nghệ nhà lưới, tưới tiết kiệm nước, sản xuất nhà nước sạch, hữu cơ; ứng dụng công nghệ trong thu hoạch, bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm.
Tỉnh Ninh Thuận chú trọng mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhất là sản phẩm hữu cơ chủ lực, tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng lộ trình, tập trung đẩy mạnh phát triển trên từng lĩnh vực sản xuất mà tỉnh có thế mạnh, đáp ứng các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, căn cứ nhu cầu thực tế của người sản xuất, đầu ra sản phẩm của từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã đưa ra mục tiêu cụ thể, đó là hình thành, mở rộng diện tích canh tác được chứng nhận hữu cơ trên một số đối tượng như: lúa, điều, cây ăn quả, rau củ quả các loại, mía, mỳ, măng tây, nha đam, cây dược liệu, bò, dê, cừu, heo bản địa, các loại gia cầm, tôm, cá, nhuyễn thể và rong biển các loại…. Bên cạnh đó, tỉnh hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông lâm thủy sản hữu cơ, tập trung các sản phẩm có trong danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh thông qua tăng số lượng, chất lượng nông lâm thủy sản sản xuất theo quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận đã xác định được các vùng sản xuất hữu cơ phù hợp với các sản phẩm chủ lực như: các loại cây ăn quả như nho, táo và rau củ quả các loại như: dưa lưới, măng tây xanh, nha đam..., để có kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, dự kiến từ nay đến 2025 khoảng trên 5.000 ha; trong đó, sản xuất lúa hữu cơ khoảng 200 ha, tập trung tại các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Bắc, Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; sản xuất bắp hữu cơ khoảng 35 ha, tập trung tại các huyện Bác Ái và Thuận Bắc; sản xuất nha đam hữu cơ khoảng 125 ha, tập trung tại huyện Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; sản xuất măng tây hữu cơ khoảng 62 ha, tập trung tại các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Đối với vùng cây ăn quả hữu cơ các loại, Ninh Thuận trồng khoảng 276 ha, tập trung tại các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc, Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; sản xuất điều hữu cơ tăng diện tích trồng lên khoảng trên 4.300 ha, tập trung tại huyện Bác Ái, Ninh Sơn vàThuận Bắc.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như: Thịt dê, bò, cừu, heo bản địa, các loại gia cầm...; riêng vùng chăn nuôi bò, dê, cừu hữu cơ gắn với quy hoạch đồng cỏ. Qua đó đến năm 2025, phát triển trên 17.400 con gia súc, gia cầm... đồng thời, tập trung xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như: tôm, cá, nhuyễn thể và rong biển các loại…Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ gắn với thị trường trong nước, xuất khẩu, với diện tích mặt nước nuôi trồng đến 2025 đạt trên 25 ha, tập trung tại huyện Bác Ái, Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển vùng sản xuất muối dinh dưỡng hữu cơ; vùng sản xuất, khai thác sản phẩm từ tự nhiên như trồng trọt các sản phẩm dược liệu, khai thác lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên…
Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… nhằm sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc thù của từng địa phương, sản phẩm mang tính truyền thống, khai thác từ tự nhiên; đồng thời nghiên cứu chọn tạo các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh, phù hợp với sản xuất hữu cơ, xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp hữu cơ để từng bước nhân rộng mô hình...
Minh Trang
Bình luận