Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 02:01
Thứ hai, 03/04/2023 05:04
TMO - Các chuyên gia nhấn mạnh, ngành thủy sản cần tăng cường liên kết theo chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp; tăng cường liên kết trong chế biến để đa dạng chuỗi sản phẩm cho nhiều thị trường; tăng cường liên kết hệ sinh thái tạo điều kiện kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủy sản là ngành hàng quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, ba tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cá tra đạt 422 triệu USD giảm hơn 33%, tôm đạt 578 triệu USD giảm hơn 39% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tháng 3/2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 780 triệu USD, giảm 245 so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn giảm 8 – 39%. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%. Tuy nhiên, xuất khẩu các loài cá biển khác vẫn tăng trưởng dương 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chỉ sau thời gian ngắn khi Việt Nam đánh dấu cột mốc xuất khẩu thủy sản kỷ lục là 11 tỷ USD vào năm 2022, các doanh nghiệp trong nước đã bước vào giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của thị trường thế giới cũng như một số khó khăn nội tại trong nước.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu giảm và giá nhập khẩu cũng giảm theo. Dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý II sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam. VASEP cũng nhận định, trong nửa đầu năm 2023 xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Xuất khẩu cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau Covid.
Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia các nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa Xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước.
Ngành thủy sản cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ... thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất. Ảnh: BĐK.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam khẳng định, để giúp ngành thủy sản tăng trưởng thì việc nâng nâng giá trị sản phẩm thủy sản giữ vai trò quan trọng. Theo đó, để gia tăng giá trị xuất khẩu thủy sản cần phải tập trung 3 trụ cột, đó là sản phẩm an toàn cao, sản phẩm tốt cho sức khỏe, sản phẩm thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, động lực để phát triển xuất khẩu thủy sản cũng cần lưu ý đó là đáp ứng xu thế tiêu dùng và nâng giá trị sản phẩm thủy sản. Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thủy sản tập trung vào các sản phẩm cho sức khỏe, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Thời gian tới, ngành thủy sản tăng cường liên kết theo chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp, tăng cường liên kết trong chế biến để đa dạng chuỗi sản phẩm cho nhiều thị trường và tăng cường liên kết hệ sinh thái tạo điều kiện kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường. Tổng cục Thủy sản cho rằng, các tỉnh cần thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ từ các yếu tố nuôi trồng - khai thác, chế biến - bảo quản; vận chuyển - lưu thông, tiêu thụ - phân phối đến quản lý chuỗi cung ứng nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, tăng chất lượng, giá trị thủy sản Việt Nam.
Bộ NN&PTNT cho biết, ngành thủy sản đang đối mặt nhiều khó khăn do lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao, hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hạ tầng thuỷ sản. Ngoài ra, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường chưa được kiểm soát, chế biến chưa sâu, chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến... cũng ảnh hưởng lớn đến việc phát triển ngành thủy sản, chưa nâng cao được giá trị. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, ngành thủy sản phải nâng cao cạnh tranh về con giống, thức ăn, an toàn sinh học, đặc biệt là các chủng loại được nuôi trồng chủ đạo như tôm, cá tra...
Ngành thủy sản hiện đề ra một số chỉ tiêu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỷ USD. Với các điều kiện về nuôi trồng và nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến tăng mạnh về đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, giá trị về thuỷ sản Việt Nam sẽ còn dư địa lớn để phát triển.
Nguyễn Hạnh
Bình luận