Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ tư, 23/11/2022 13:11
TMO - Giai đoạn 2020 - 2025, Lào Cai xác định phát triển dịch vụ, kinh tế cửa khẩu là đột phá, tạo nhiều việc làm, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu này, tỉnh Lào Cai đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics để trở thành cầu nối quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam với các tỉnh thuộc khu vực phía Tây Nam Trung Quốc.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, Lào Cai là địa phương đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành cực tăng trưởng, trung tâm trung chuyển hàng hóa kết nối trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đưa địa phương này trở thành cầu nối quan trọng, giúp việc trung chuyển giữa Việt Nam với các tỉnh, thành phía Nam Trung Quốc như Vân Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu, Trùng Khánh.
Cụ thể, tỉnh Lào Cai hiện có hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, liên quốc tế gồm: đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy... Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với gần 16.000 ha có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tương đối đầy đủ và là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ đầu tư. Năm 2014, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác được xem như một phần động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả dịch vụ logistics, cho không chỉ Lào Cai mà cả khu vực Tây Bắc.
Tỉnh Lào Cai có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển ngành dịch vụ logistics, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu
Sở Công Thương tỉnh Lào Cai nhận định, trong những năm qua dịch vụ logistics đã khẳng định vai trò, vị trí trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đối với ngành thương mại nói riêng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Với sự tham mưu của Sở Công Thương, UBND tỉnh đã ban hành đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Theo đó, định hướng phát triển dịch vụ logistics tại Lào Cai với các mục tiêu hình thành các trung tâm logistics hạng I, hạng II và trung tâm logistics cấp tỉnh; đa dạng hóa dịch vụ logistics, nâng cao hiệu quả các dịch vụ, đáp ứng cơ bản nhu cầu về các dịch vụ logistics như vận tải, kho bãi, bốc xếp; tăng cường kết nối với mạng lưới logistics của cả nước, khu vực các nước ASEAN và Trung Quốc; ứng dụng công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics; chú trọng giảm chi phí logistics; khuyến khích, thu hút đầu tư các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có quy mô lớn trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, có nguồn nhân lực chuyên nghiệp.
Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, đưa ngành dịch vụ logistics của tỉnh phát triển thành ngành dịch vụ có trình độ khá của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, của cả nước; thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông kết nối; hình thành một trung tâm logistics hạng II; thu hút từ 2 doanh nghiệp trở lên kinh doanh dịch vụ logistics lớn; phát triển hệ thống kho hàng hóa và các dịch vụ kho theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng hệ thống thông tin đối với hệ thống logistics của tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đối tác và hệ thống logistics trong cả nước.
Giai đoạn 2026 - 2035, phát triển, nâng cấp trung tâm logistics hạng II tại Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai lên thành trung tâm logistics hạng I; hoàn thiện các khu phát triển logistics gắn với ga đường sắt, đường hàng không, đường thủy; thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics vệ tinh cấp tỉnh tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của tỉnh đạt 10% đến 15%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 16% đến 20%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 60% đến 65%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 14% đến 17% GRDP.
Thông tin tại hội thảo về đẩy mạnh hoạt động xuất - nhập khẩu, phát huy vai trò cầu nối của tỉnh Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh vừa được tổ chức, Sở Công Thương tỉnh cho biết từ đầu năm đến nay, tổng giá trị xuất - nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu của Lào Cai đạt 1,8 tỷ USD, giảm 40,57% so với cùng kỳ năm 2021.
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất - nhập khẩu cao gồm: Phốt pho vàng (597,05 triệu USD), phân bón (126,26 triệu USD), rau, củ, quả (128,47 triệu USD), sắn các loại (37,5 triệu USD), thanh long (12,36 triệu USD), máy móc, thiết bị (21,17 triệu USD), năng lượng điện (14,16 triệu USD)... Trên địa bàn tỉnh có 5 trung tâm logistics tập trung với quy mô hơn 288.000 m2. Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của phía Trung Quốc về bao bì, nhãn mác của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đã kịp thời đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu hàng hóa.
Lào Cai xác định phát triển dịch vụ, kinh tế cửa khẩu là đột phá, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ảnh: TN
Các chuyên gia cho rằng, để phát huy hơn nữa vai trò cầu nối xuất khẩu, nhập khẩu, Lào Cai cần phát triển các trung tâm logistics tại Lào Cai theo hướng trở thành các trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khác.
Lào Cai cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hiệp hội, nhóm doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để tăng năng lực cạnh tranh. Bởi các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Lào Cai có quy mô vốn khá nhỏ, chủ yếu từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng, việc tự hoạt động một cách manh mún, nhỏ lẻ hiện nay sẽ làm giảm hiệu quả và tính chuyên nghiệp của dịch vụ, gây ra tình trạng cạnh tranh giá.
Sở Công Thương Lào Cai cho biết, trong thời gian tới, để hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai trở lại bình thường và có những bước đột phá, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục đổi mới cách thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động. Cùng đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn, doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu, Trung Đông, Trung Quốc… Đồng thời, khẩn trương hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức cổng dịch vụ công tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành nhằm minh bạch hóa các thủ tục, quy trình tại cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Việc hoàn thiện, cụ thể hóa và ban hành cơ chế, chính sách phát triển logistics phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương là nội dung quan trọng trong phát triển hệ thống logistics. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các quy định hỗ trợ sự phát triển logistics của tỉnh cả về doanh nghiệp, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng... Cùng với đó, tổ chức thực thi các chính sách và biện pháp của Nhà nước về phát triển dịch vụ logistics phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.
Thu Hương
Bình luận